top of page

Khôn như Sếp, quê em đầy!

Ảnh của tác giả: Võ Đào Phương TrâmVõ Đào Phương Trâm

Đang cặm cụi cho mớ văn bản, báo cáo tràn ngập trên bàn máy tính, chiếc điện thoại bỗng chớp nháy màn hình, tôi vội cầm lấy để xem thông tin vì nghĩ có vài cuộc họp đang cần chuẩn bị, nhưng khi đọc tin nhắn, tôi chỉ thở dài một tiếng vì những câu chuyện mang tên “nhờ vả” lại tiếp diễn trong sự mệt mỏi lẫn khó chịu của một đứa nhân viên không thể từ chối.

Ảnh minh họa, nguồn internet

- Này! Anh gửi bài qua mail, em làm giúp anh slide chiếu nhé!

- Này là bài gì vậy anh?

- Bài anh đi dạy chiều nay ấy.

Tôi bỏ chiếc điện thoại xuống rồi mở mail lên xem, một file word dài hơn 70 trang, tôi nghĩ trong đầu: “Cái này là chuyển qua slide powerpoint thì cũng hơn cả trăm slide chứ ít gì” nhưng tôi đành phải câm lặng làm dùm cho sếp vì thân phận tôi là lính.

Tối hôm đó, tôi thức tới hơn 3 giờ sáng để làm slide chiếu cho sếp đi dạy, tôi chả biết vì sếp lười hay vì sếp không biết làm mà cái gì từ nhỏ nhất cũng phải đến tay tôi, một thằng nhân viên quèn, chắc vì tôi được cái là ai nhờ gì cũng làm vì cả nể, thì với sếp, tôi càng không dám chối từ. Thế là từ đó, bao nhiêu thứ chuyện nhờ vả cứ được dịp trổ bông như hoa đào vào Tết.

4 giờ sáng, chiếc email tôi send qua cho sếp file bài giảng rồi lục đục đi ngủ, trong đầu vẫn còn nhập nhoạng “sì-lai, sì-lai”

7 giờ 30 sáng, vừa mở cửa bước vào phòng, tôi đã thấy ngay nụ cười tươi của sếp ngay bàn “chánh điện”

- Cảm ơn em nhé!

- Dạ không có gì đâu ạ!

Sếp nhìn mông lung ra cửa sổ, ngã người vào cái ghế dựa, xoay xoay rồi cất giọng trầm ngâm như có chuyện sầu ba bể

- Vợ anh, mấy nay bà ấy chả ngủ được em à!

- Chị nhà sao thế ạ?

- Anh chả hiểu, bả mất ngủ, em xem, có cây dong gì ấy nghe nói trị mất ngủ, em đi tìm giúp anh nhá!

- Dạ vâng, để em hỏi xem ở đâu có thì em tìm cho ạ!

- Ừ, ừ, thế nhé!

Nói vừa dứt câu thì sếp lại nhìn vào màn hình máy tính, vài phút sau lại phì phà điếu thuốc ngoài cửa, thế hóa ra đời làm sếp cũng vất vả nhở! Cứ phải quanh đi quẩn lại ở máy tính đến mỏi lưng thì ngã vào ghế dựa, làm vài điếu thuốc rồi lại phải đôn đốc nhân viên làm cái này cái nọ, cái lọ cái chai, hết việc công lại việc tư, làm không xong thì sếp lại phải vất vả phê bình, còn không hài lòng thì mặt nặng mài nhẹ, xem ra làm sếp thật khổ thân!

Chiều, thằng lính quèn xếp cặp, ra cổng và leo nhanh lên xe để về tìm cho ra cái lá dong dùm sếp, sếp là cha là mẹ, sếp cần là phải có! Thế là tối đó, thằng lính quèn bắt đầu nhắn tin dò hỏi khắp nơi xem có ai có cái lá dong để đem về cho phu nhân sếp ngủ, nhưng chả tìm đâu ra được cái lá này giữa khu đô thị, thế là hôm sau, thằng lính quèn như tôi lại vác xe rảo một vòng khu ngoại ô, chạy rị mọ từng nhà, cứ nhà nào có trồng cây to to lớn lớn là nhìn vào tìm kiếm, dù tấp vào mấy cái nhà để hỏi nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, cuối cùng tôi đành phải quay về với sự thất vọng vì chả tìm được lá dong, nhưng may quá trên đường về lại thấy có chị bán dây chùm bao, người ta còn gọi là đọt nhãn lồng, loại này cũng trị được bệnh mất ngủ, thế là tôi ghé vào gom hết mớ lá còn lại trong cái giỏ cần xé của chị bán hàng, lòng hí ha hí hửng.

Sáng hôm sau, tôi mang mớ chiến lợi phẩm vào cho sếp, tôi đưa sếp cái mớ nhãn lồng còn xanh non

- Lá dong em tìm không đâu có, mà cái này là đọt nhãn lồng, người ta bảo ăn vào cũng ngủ ngon lắm đấy sếp ạ! Hay sếp đem về cho chị nhà uống thử xem sao?

- Ôi! Loại này ngày xưa anh hái luộc ăn hoài.

- Thế ạ!

Thoáng nhìn mặt sếp có vẻ không hài lòng, tôi im lặng không nói nữa, tôi lại tập trung nhìn vào màn hình cho mớ kế hoạch đang phải hoàn thành, nhưng lương tâm tôi lại cắn rứt vì chưa tìm được cây dong cho sếp, nhìn sếp cứ buồn buồn mông lung, rồi ngã vào ghế dựa mà lòng tôi bứt rứt vô cùng, sếp phải mang khuôn mặt nặng như chì khi chưa đúng ý, tôi nghĩ sếp cũng khổ tâm lắm chứ hạnh phúc gì đâu!

Ngày hôm sau, tôi vào phòng với bịch lá dong xanh non trên tay, mặt mài hí hửng:

- Đây ạ, em tìm được lá dong rồi ạ!

- Ôi Trời, ở đâu thế?

- Sau nhà em đấy, tìm khắp nơi rồi mới nghe nói có cây dong mọc ở tận ngoài sau.

Miệng nói huyên thuyên mà cái tay tôi thì cứ gãi gãi xuống phía dưới chân, để có mớ lá dong, thằng lính quèn phải lội vào tận đám rừng sau nhà và hy sinh cái chân cho đám muỗi mòng, vài ba con vắt bám vào làm mồi nhậu, giờ thì cứ vừa làm vừa gãi sột soạt, âu cũng là hạnh phúc Trời ban! Sếp hạnh phúc là đời ta hạnh phúc! Dăm ba cái ngứa ngáy này đã thấm vào đâu!

****

Nay mấy sếp đi họp Ban lãnh đạo, thế là tôi được dịp tĩnh lặng tập trung vào công việc mà không phải nghe mấy lời hoa mỹ và giọng điệu hàn lâm, mấy chị mấy em trong phòng lại phơi phới với vài ba câu chuyện phím mà không phải dè chừng ngột ngạt.

- Này! Thằng Quân, làm gì cứ thấy dán mắt vào máy tính thế? Mấy nay sao nhìn mày có vẻ căng căng thế nào ấy nhỉ?

- Em đang nhận nhiệm vụ cao cả

- Nhiệm vụ gì? Chuẩn bị phấn đấu lên Trưởng phòng à?

- Ôi Trời, Trưởng phòng là chuyện nhỏ, chuyện này quan trọng, mang tính nhân loại hơn nhiều!

- Chuyện gì ghê thế?

- Ươm trồng mầm xanh, mở mang trí tuệ chị ạ!

Miệng nói, tay tôi vẫn bấm liên hồi trên bàn phím, mặc cho mấy bà chị trong phòng mắt tròn mắt dẹt khi nghe những lời đầy tính vĩ mô từ một thằng lính quèn không danh không phận

- Là mày làm gì?

- Dạy cho con sếp học…qua điện thoại. Đấy! Chị thấy không! Nhiệm vụ cao cả! Trưởng phòng chỉ là cái danh hư ảo, phù phiếm, còn đây là cả sứ mệnh cơ đấy!

- Ôi Trời! Ghê chưa! Sứ mệnh cao cả quá! Thế sao ông ấy không thuê người mà phải nhờ mày dạy?

- Ôi Trời! chị phải biết tính toán, chị phải biết tận dụng, làm sao để vừa có lợi vừa không phải mất tiền, chứ mỗi chút mỗi thuê, lấy đâu ra tiền! Chị phải biết thương sếp cơ! Sếp nghĩ ra cách này, sếp cũng đau đầu lắm đấy!

- Ừ! Đau đầu thật! Không khéo lại còn đột quỵ chứ chả chơi.

Trông gương mặt bà chị cùng phòng có vẻ ngơ ngẩn, vô phương thì tôi lại được dịp lên giọng đầy “hãnh diện”

- Em lại còn giúp cho vợ sếp ngủ ngon nữa cơ! Ba cái này nhằm nhò gì!

- Mày nói cái gì?

Lúc này, bà chị bỗng dưng trợn tròn cặp mắt, bật dậy khỏi ghế như cái lò xo nẩy ngược rồi trố mắt nhìn tôi với cái nhìn và suy nghĩ không mấy thiện lành, tôi liền phải trấn an

- Ý là vợ sếp mất ngủ, sếp bảo em phải đi tìm lá dong cho vợ sếp nữa cơ!

- Sao mày không tìm mẹ nó lá ngón. Ăn vào một phát, ngủ trường kỳ.

- Không, phải lá dong cơ!

- Sếp với chả xó! Suốt ngày chỉ biết sai lính như sai con đẻ.

- Con đẻ đã bao giờ sai đâu, đây là con ghẻ chứ con đẻ gì cơ.

- Ừ! Con ghẻ, ghẻ chốc ghẻ lở nữa chứ chả phải ghẻ thường.

Tôi cất giọng cười ha hả khi nghe giọng điệu chanh chua của bà chị trong phòng. Ngồi cả ngày, cái lưng tôi bắt đầu rệu rã, dấu hiệu của tuổi già đang kéo đến ầm ì, lúc thì đau vai, hôm thì mỗi gối, cái bệnh của dân văn phòng, vài ba hôm thì xì xọp khi tuổi chỉ vừa ngấp nghé bốn mươi.

Tôi đi vòng qua cái bàn bà chị già, bà chị vẫn đang cắm cúi loay hoay trên màn hình máy tính, nhìn vào máy tính, tôi thấy mấy câu bài tập của một lớp tâm lý, tôi thoáng chút ngạc nhiên: “Chả lẽ bà chị đang làm tổ chức, nay lại muốn đổi nghề?”

- Này! Chị học thêm đấy à?

- Học gì đâu!

- Thế sao chị làm bài tập môn tâm lý? Giấu đồng đội học bao lâu rồi? Khai ra mau!

- Tao làm dùm đấy! Chứ tao làm gì còn thời gian mà đi học mấy lớp này.

Giờ thì đến lượt tôi trố mắt ngạc nhiên khi nghe bà chị tôi thốt lên hai chữ “làm dùm”, vốn là một người đốp chát, chuyên chê trách tôi cứ hay cả nể làm dùm hết cái này đến cái nọ khi người khác nhờ cậy mà không biết nói lời từ chối thì nay lại đến phiên bà chị cũng đồng chung số phận

- Ồ!

- Ồ gì mà ồ!

- Ồ!

- Mày điên à?

- Ngạc nhiên chưa!

- Ngạc nhiên gì mà ngạc nhiên!

- Bà chị mà cũng rơi vào thảm cảnh làm dùm à?

- Thì đấy! Từ chối rồi, mở mail vẫn thấy lù lù gửi qua, “em làm bài cho con chị!”

- Haha! Phận làm lính mà, việc nhà như việc cơ quan. Hôm thì đón con, hôm thì dạy cho con, hôm thì vợ mất ngủ, anh thèm thuốc lá, anh cần đổi cái ốp lưng….thôi, ráng đi chị ạ! Diễm phúc hồng ân sếp ban cho, ráng phấn đấu vài năm, ngồi vào ghế đấy rồi tha hồ kiếm vài đứa mà sai lại.

- Thôi thôi, cho tao xin, chả phải ai cũng thế!

Đang say mê với câu chuyện chủ đề “nhờ vả” thì nghe tiếng giày quen thuộc rõ dần phía ngoài hành lang căn phòng, tôi lật đật quay về vị trí ngồi làm việc, tiếng mở cửa lạch cạch, sếp nữ bước vào phòng sau buổi họp với Ban lãnh đạo, chẳng biết buồn vui mà thấy sếp trầm ngâm tư lự, rồi ngồi nhắn tin một cách rất tập trung, chắc sáng nay, có việc gì quan trọng lắm.

Chiếc điện thoại tôi sáng đèn, dòng tin nhắn hiện lên thấp thoáng, tôi bấm vào xem thì thấy tin nhắn của bà chị cùng phòng, đọc tin nhắn của chị, tôi chỉ biết phì cười khi thấy ảnh chụp màn hình về cuộc nói chuyện giữa chị cùng phòng và chị sếp xinh đẹp đang ngồi cạnh tôi, tay bấm nhắn tin liên tục.

“ Đây là bài Báo cáo mẫu, bé Huyền bận đi làm, không có thời gian làm báo cáo, em làm dùm cho con chị, làm bằng file mềm, làm xong gửi cho con chị chỉnh sửa trước khi nộp”.

Hiện bên cạnh dòng tin nhắn là một chùm hình ảnh được chị sếp chụp lại từ mớ báo cáo của ai đó rồi gửi qua cho bà chị già, sếp bảo nhìn vào đó mà làm dùm cho con của sếp vì con gái sếp bận đi làm, không có thời gian làm báo cáo. Tôi nghĩ trong đầu: “Thế bà chị này chắc đang ở không?” nghĩ cũng lạ, ở đời đôi khi có những người hồn nhiên đến không thể nào lý giải được, hồn nhiên đến mức khi nói ra cái gì đó, chẳng cần biết người ta sẽ nghĩ gì, cứ vô tư như một đứa trẻ con, làm gì, nói gì cũng là đáng yêu! Suy cho cùng, những người có tư duy đó phải được xếp vào hàng cực phẩm, bởi vì để có được cái sự bất chấp, ngoan cố đến trơ trẽn đó thì không phải ai cũng làm được. Cái kiểu “Sống biết mình mà không biết nghĩ cho người, muốn được cho mình mà không biết phiền hà đến người khác, cho rằng nghĩa vụ, bổn phận người khác là phải phục vụ cho mình vô điều kiện, cho rằng sự giúp đỡ của người khác không phải là lòng tốt của người làm mà là đặc ân của người được nhận”, đấy! cái kiểu sống đấy phải được xếp vào hàng quý hiếm lắm cơ!

Tôi thở dài một tiếng sau khi tiếng phì cười tắt ngấm bởi tôi biết cảm giác của bà chị hiện tại thế nào, cũng như tôi, một thằng lính quèn bị vây bủa ngoài việc công, còn là mớ việc trên Trời rơi xuống từ gia đình, con cái, từ việc cá nhân Trời ơi Đất hỡi của sếp kính yêu trút lên đầu mình mà mình không có đường nào lui tránh, đành phải chấp nhận nó và xem nó như một món quà trong những tháng ngày chịu đựng, khi trót lỡ gắn bó với những vị sếp có thói quen sai lính như sai người ở, coi nhân viên như một nô tì, phải cun cút phục vụ mọi yêu cầu, yêu sách của mình bất kể có hợp lý hay không.

Tin nhắn điện thoại tôi lại vang lên bíp bíp, lại là tin nhắn từ sếp thân yêu:

- Chiều nay gửi giúp anh tài liệu ra ngoài Hà Nội nhá! Gửi gấp giúp anh, thứ hai phải có cho thầy xem em nhá!

Tôi nhẩm lại, hôm nay là thứ sáu, ngày cuối tuần, thứ bảy Bưu điện phải nghỉ, mà thứ hai phải có tài liệu gửi ra ngoài Hà Nội, sao sếp không đi gửi mà lại bắt mình làm cái việc này ấy nhỉ? Tôi khẽ nhíu mài nhưng chẳng thể phản kháng, đôi khi mọi thứ cần phải trông cậy vào lòng tự trọng của con người mà lòng tự trọng đã thiếu đi thì có nói gì cũng bằng thừa, một khi người ta đã cố tình sống bằng niềm tin nhờ vả, thiên chức lợi dụng thì sự trông đợi ý thức chỉ hóa hư vô, cũng chỉ là rước họa vào thân khi nhân viên quèn vẫn chỉ là người thế yếu, như con cá nằm trên mặt thớt.

Sáng thứ Bảy, Trời mưa lất phất, thằng lính quèn ôm tập tài liệu bọc kỹ càng đi tìm Bưu cục để gửi cho kịp lúc nhưng ngày thứ bảy chẳng có chỗ nào mở cửa, thế là nó phải chạy qua mấy quận huyện, mưa thì mỗi lúc nặng dần, nó vẫn chạy xe đi tầm tã trong cơn mưa, bọc tài liệu vẫn được cất kỹ để không cho mưa ướt, cuối cùng, nó cũng tìm được một chỗ còn mở cửa, nó mừng như bắt được vàng, thế là ngày hôm đó, nó cũng bõ bèn gửi được xấp tài liệu ra tận Hà Nội theo yêu cầu của sếp, không phí công đội cả trận mưa ướt mèm, qua mấy con đường dài dằn dặt.

Cũng chả khá gì hơn nó, bà chị cùng phòng cũng chẳng có được một ngày cuối tuần yên tĩnh khi một giờ khuya đã nhận tin nhắn của người sếp nữ:

- Bé Huyền có mấy câu bài tập mà không biết làm sao cho đúng, nó về mệt quá không nghĩ nổi, em làm dùm cho bé Huyền. Sáng mai đưa cho chị nhá!

Bà chị lẩm nhẩm trong đầu: “Một giờ khuya chị nhắn làm dùm mà sáng đưa cơ, thế là nhân viên của chị phải thức đêm làm cho con chị ngủ cơ đấy!”

- Dạ, nhưng cái này em không có chuyên môn, không có học về ngành này nên em không biết làm thế nào.

- Vậy để chị cho số điện thoại của em, bé Huyền sẽ gọi qua hướng dẫn cho em.

Bà chị im lặng, không trả lời câu đề nghị, từ trước đến giờ chỉ nghe người ta hướng dẫn cho người không biết làm bài chứ ai lại không biết làm bài lại đi hướng dẫn cho người khác để làm cho mình thế nhở! bà chị thở một tiếng nghe dài thườn thượt rồi quẳng điện thoại qua một bên, nằm vật xuống giường cho một giấc ngủ sau một ngày quần quật mệt mỏi với gia đình, thế nhưng sáng hôm sau, khi vừa mở mắt dậy, bà chị đã nhận ngay chầu “ăn sáng” với những cuộc gọi từ chị sếp kèm tin nhắn bằng giọng điệu như kiểu “con chị không gọi cho em được thì chị sẽ gọi cho em”, bà chị vẫn không trả lời, vài tiếng sau, đã thấy một tin nhắn có một không hai từ chị sếp: “Chị có nói bé Huyền thu âm nội dung hướng dẫn gửi qua tin nhắn cho em, em mở lên nghe rồi làm theo nhé!”

Bà chị không nén được sự bực dọc nhưng cũng đành phải mở nghe thử xem sao, nhưng rồi bằng lòng thương người, dẫu cái miệng có hơi chua ngoa, xéo sắc nhưng dễ mủi lòng và lương thiện, bà chị lại vào bàn hý hoáy, làm mấy câu bài tập cho bé Huyền siêng năng được hoàn thành nhiệm vụ.

Sáng nay, khi đang ngồi ăn sáng, thằng lính quèn nuốt hộp cơm mà như nghẹn lại khi nhận thêm cái email của sếp với nội dung: “anh có mấy cái hợp đồng, em làm dùm anh nhé!”

Hợp đồng, lại là cái mớ làm ngoài của sếp nhận với người ta nhưng chỉ nhận rồi quẳng qua cho nó làm, tiền thì sếp lấy chứ nó chả có đồng xu, nhiều lúc nó mệt mỏi, nhắn tin từ chối nhưng dường như sếp chẳng quan tâm, vẫn cứ y xì và cố chấp gửi mail qua cho nó với mớ hợp đồng hết lần này sang lần nọ, khi thì tài liệu, khi thì bài giảng rồi ngồi chờ nó làm xong gửi lại, mặc kệ nó có nhắn tin từ chối hay không, mặc định trong tư tưởng sếp: “Này! Anh gửi qua là mày phải làm, có mệt, có bận cũng phải làm, có nói gì cũng mặc kệ chúng mày, việc thầy hoàn tất là đủ”

Nó uống một ngụm nước cho trôi mớ cơm còn nghe nghèn nghẹn trong cổ họng, hộp cơm đang ăn dở, nó mang quẳng vào thùng rác, nhìn qua phía bà chị cùng phòng đang bấm nhắn tin, gương mặt chả bao giờ thấy nở nụ cười vì cái nơi làm việc chẳng có gì vui vẻ để mà người ta cảm thấy nở được nụ cười mãn nguyện, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những lời than van bất lực vì những công việc không nằm trong nhiệm vụ của mình nhưng không có đường nào lẩn tránh, nhân viên như một cái bao tải dồn nén những thứ phế phẩm tinh thần, mệt mỏi và ngột ngạt chồng chất bởi sự nhếch nhác, khuyết tật lương tâm và lòng tự trọng.

Hôm nay cuối tuần, tôi và bà chị cùng với một anh một đồng nghiệp cùng phòng rủ nhau đi uống café, cũng lâu rồi chúng tôi chưa có dịp tụ tập nhau ngoài quán xá vì ai cũng tất bật việc cơ quan, việc gia đình, cứ hết giờ là phải chạy về đón con, chợ búa, kể ra chẳng ai có đủ rảnh rỗi cho mình, một chút thời gian hiếm hoi chỉ đủ để nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi, thế mà có những người luôn muốn xâm chiếm tất cả thời gian người khác để phục vụ mục đích cá nhân cho họ.

Tôi không uống được café đen nhưng hôm nay thử một lần, như lời anh bạn đồng nghiệp gợi mở:

- Café đen là thứ gì đó đắng ngắt nhưng người ta vẫn mê và không bỏ được, café không đường, lại là khẩu vị nhiều người, cuộc đời đôi khi phải có đắng chát mới nếm đủ dư vị, mới hiểu lòng người.

Đang huyên thuyên, chị cùng phòng lại bật điện thoại, thấy mặt lại không vui, tôi đoán lại là tin nhắn mắc oai nào đó.

- Em làm bài báo cho con chị, sao lúc gửi mail em không để tên con chị? Để bây giờ ra bài, người ta để tên Tác giả là em?

- Chị ơi, hôm đó chị bảo em để trống phần tên, để chị liên hệ bên đó để tên con chị, em đã gửi trước cho chị xem rồi, chị nhắn bảo em gửi mail qua bên đó thì em gửi qua thôi.

- Nhưng khi gửi, em không ghi tên bé Huyền, con chị, người ta thấy mail của em thì người ta để tên em.

- ????%%%####@@

Nghe đến đó, bà chị cùng phòng không uống rượu mà đầu óc tự nhiên muốn quay mòng mòng như chong chóng: “Ủa! Gì vậy chị? Lần trước chị kêu em viết bài cho con chị, nhớ để trống phần tên cho chị điền tên con chị vô là Tác giả, rồi em làm theo y như vậy, em viết bài hoàn chỉnh rồi gửi mail cho chị và con chị xem trước, hai mẹ con chị có xem không mà kêu em gửi mail qua bên Ban biên tập?”

Nghĩ trong bụng, chị sếp cũng lạ, vô tư đến mức thượng thừa, nhờ người ta viết bài dùm mà chẳng cung cấp thông tin, chỉ quăng cho cái số điện thoại rồi tự bà chị già phải đi liên hệ, phỏng vấn viết bài cho hoàn chỉnh, giờ chỉ có mỗi cái tên của bé Huyền bé Ngã gì đó để điền vào cũng chẳng điền nổi, cũng phó thác ỷ lại vô bà chị. Ôi Trời, chắc số người ta đẻ bọc điều còn bà chị thì đẻ bọc nilong nên đã giúp đến nơi đến đến chốn còn bị réo tên trách móc.

Thằng lính quèn tự nhiên trỗi dậy vài suy nghĩ của kẻ văn chương “Buồn! người thì làm tất cả, người thì chỉ muốn ngồi không, sung thì chẳng mọc bao nhiêu mà ai cũng thích nằm chờ sung rụng, tay chân có sẵn, trí não chưa biến dạng nhưng vẫn thích người ta bày mâm dọn sẵn cho ăn, nhờ vả cả đại ngàn nhưng hễ làm gì một chút không vừa ý là y như rằng hất đổ mọi công sức người khác xuống bùn lầy. Nghĩ cho cùng, thời đại này mà vẫn còn nhiều người sống với cái tư duy thời phong kiến, như kiểu cường hào bá hộ ức hiếp tá điền”.

- Mặc kệ đi chị, suy nghĩ làm gì, giúp đến đó là đủ rồi.

Thằng lính quèn như tôi lên tiếng, mấy bản nhạc romantic làm tôi thấy lòng nhẹ nhõm, ngày cuối tuần mưa lất phất trong quán café tĩnh lặng, âm ấm ánh đèn vàng, lòng tôi hơi chùn xuống

- Hết tháng này em xin nghỉ.

- Thật không? Mày đùa à?

Bà chị cùng phòng lại trố mắt ngạc nhiên, giọng bán tính bán nghi

- Nghỉ thì nghỉ chứ đùa gì chị! Cuộc đời mình tự mình quyết định, không làm chỗ này thì làm chỗ khác.

- Ừ, nghỉ cũng phải.

- Em chọn con đường khác để đi, cái gì mệt mỏi, không thích thì mình phải tự giải thoát, ngoại trừ gia đình mình là thứ không thể bỏ đi, còn lại, cái gì không hợp với mình, không có duyên với mình thì mình không cần cố công bám víu.

- Ừ, mày đi trước đi, không chừng vài tháng, tao cũng tìm đường rút.

- Chỉ có anh Hoàng, bản lĩnh là sống nổi.

Người đồng nghiệp tên Hoàng với dáng vẻ đen đúa ngầu ngầu khẽ bật cười rồi lắc đầu trước sự hỗn mang tâm lý của những người nhân viên có thói quen chịu đựng.

- Anh thì ông bà nào mà ức hiếp được, nhìn tao bặm trợn thế này, chả lẽ đi sai mấy việc vặt vãnh của vợ con nhà họ? mày với bà chị đây chỉ được cái mồm than vãn, chứ bóng vía thì yếu lắm, nên họ bắt nạt, lợi dụng đủ việc vớ vẩn. Còn tao thì tao thách đấy, nhờ linh tinh, tao nói thẳng, có mà dám nhờ.

- Được mấy người như anh. Tụi em thì non tuổi đời lẫn tuổi nghề.

- Mày nghỉ, tao nghe cũng buồn nhưng nếu có được chỗ khác tốt hơn thì cứ bay, chả phải sếp nào cũng như sếp này, nhiều nơi người ta tốt lắm, quan trọng là mình có duyên để gặp được họ hay không.

Tôi khẽ gật đầu và lòng như trút đi gánh nặng khi chia sẻ điều mà tôi dự định trong vài ngày sắp đến với mấy người đồng nghiệp khá thân, lòng cũng có chút gì đó hơi buồn buồn nhưng chắc chắn nỗi buồn không đến từ những người lãnh đạo, bởi tôi chưa bao giờ nhận được điều gì hay ho lẫn giá trị tinh thần để tôi học hỏi và kính nể, ngoại trừ sự tuân thủ và phục tùng mệnh lệnh như một con rối trong suốt thời gian làm việc của mình.

Ngày tôi kết thúc công việc cũng đến, tôi rời đi với một sự rỗng không, chẳng có chút gì mảy may xúc động, tôi chỉ nghĩ về phía trước với những gì mình hướng đến, tôi mừng vì mình đã được giải thoát khỏi mớ lùng nhùng mà mình đã chịu đựng, mang vác bao nhiêu năm qua, đôi khi quá sức đến kiệt quệ sức khỏe lẫn tinh thần, khi tôi phải đấu tranh giữa sự chịu đựng và phản kháng nhưng rồi tôi nhận ra mình không đủ mạnh để đối đầu và xoay chuyển được bản chất của người khác bởi mỗi con người là một thực thể khác nhau, một khi người ta sống và chỉ muốn xoáy vào cái quyền lợi cá nhân thì người ta có thể bất chấp tất cả, sẵn sàng đạp lên lòng tự trọng để đạt được mục đích cho mình thì mọi sự tế nhị, mọi sự chịu đựng, tôn trọng của người khác dành cho họ chỉ là đồ bỏ.

Sau một thời gian nghỉ việc, một buổi chiều, tôi nhắn tin qua cho sếp cũ khi có một đứa bạn cần thông tin nho nhỏ, tôi nghĩ khả năng sếp cũ của tôi có thể giúp được một cách dễ dàng, thế nhưng khi tin nhắn gửi đi, mấy ngày sau tôi vẫn chưa nhận được lời đáp, khi đó, tôi mới nhắn lại với sếp rằng: “em tìm được thông tin rồi” thì khi đó, tôi nhận được tin nhắn của sếp nhắn qua, một cách rất nhanh và dõng dạc: “Anh bận đi công tác, chưa liên hệ được, em tự liên hệ nhé!”

- Ồ! Trần trụi đến nhẵn nhụi!

Thế sao ngày trước sếp lại nhờ vả thằng lính quèn đủ chuyện trên trời dưới đất? sao ngày đó thằng lính bận tối mặt tối mũi mà sếp cũng vẫn ngoan cố gửi mail làm dùm? Sao lại thế nhở? Khôn như sếp, quê em đầy!

Thằng lính quèn há hốc mồm khi nhận được tin nhắn từ người sếp cũ, hóa ra, xã hội vẫn còn nhiều đất trống cho những thành phần thích nhờ vả và lợi dụng, họ mang lớp mặt nạ giả lả, thảo mai chỉ để "tấn công" mục tiêu một cách ngoan cố và bất chấp, bất chấp đến lì lợm nhưng họ luôn chọn cách thờ ơ, né tránh khi có ai đó cần sự giúp đỡ từ họ, họ thích một cuộc sống chẳng có trước có sau.

Thằng lính quèn đành chép miệng: “chắc sếp lại đang bận nhờ thằng khác làm bài hộ!”

Điện thoại nó lại vang lên, giờ thì nó có thể an nhiên cầm điện thoại đọc một cách bình thản vì biết chả còn hồng ân nào đặt lên vai nó nữa.

- Hết tháng này tao nghỉ, về làm vườn cho xong.

Tin nhắn từ bà chị cùng phòng hiện ra trong mắt nó, thoáng chút chạnh lòng, nhưng rồi nó lại thấy nhẹ nhàng khi nghĩ đến ngày bà chị cũng được thoát khỏi cái mớ hỗn độn làm công không cho thiên hạ.

- Chị thấy điều gì làm mình thoải mái thì cứ làm.

- Ừ! Chứ suốt ngày cứ phải làm osin cho thiên hạ, ngoài giờ cũng chẳng được nghỉ ngơi, cứ kêu réo bất chấp, nhân viên mà coi như con ở thì tao cũng mệt rồi mày ạ!

- Em ủng hộ chị thoát khỏi mấy người sếp kiểu này! Tồn tại với họ chả khác nào đeo gông vào cổ. Cả đời cứ phải phục tùng cho việc cá nhân, trái ý một lần là ngóc đầu không nổi. Thôi đi cho lành.

Thế là bà chị cùng phòng cũng như tôi, hết tháng sau sẽ nộp đơn thôi việc. Tôi chẳng động viên chị bám víu bởi tôi hiểu nơi đây, nhất là đối với những người như tôi và chị khi ở lại, chẳng khác nào đám tôi tớ cho người ta lợi dụng một cách vô tội vạ rồi thì vắt chanh bỏ vỏ, chứ đã tình nghĩa được miếng nào.

Vài ngày nữa, tôi, một thằng lính quèn nhận một công việc ở đơn vị mới, một cảm giác tích cực và chờ đợi len lỏi trong tôi, tối nay, tôi nhận được tin nhắn từ người thủ trưởng: “Em cứ bàn giao rồi nghỉ ngơi cho hết tháng này đi, thư giãn cho khỏe rồi vào công việc. Có gặp khó khăn gì cứ nhắn lại anh”.

Đoạn tin nhắn từ người đã từng liều lĩnh cho một đứa từ quê lên tỉnh như nó mượn số tiền hơn chục triệu đồng để cho đứa em đi học ngày nó lững thững, chân ướt chân ráo vào thành phố, người luôn đứng ra giúp nó khi nó gặp khó khăn mà nó chưa trả ơn lại được lần nào, vài lần nó mời café, hay đi ăn một chầu nho nhỏ, người đàn anh cũng chẳng để nó tính tiền, thỉnh thoảng anh lại mở lời: “Khi nào muốn về đây thì cứ qua anh” vì anh muốn nó về làm đồng nghiệp, giờ lại là người cưu mang, chào đón nó khi nó về cơ quan mới. Nó nghĩ trong đầu: “Không biết sau này sẽ ra sao nhưng trước mắt người ta tốt với mình thì mừng trước đã, vẫn hơn những người chỉ biết vắt kiệt sức lực của nó chứ chưa từng giúp đỡ với nó lần nào”

Nó khẽ mỉm cười rồi ngã lưng xuống giường, nghe cảm giác sảng khoái và nhẹ nhõm sau một ngày chạy xuôi chạy dọc: “Cuộc đời này, có những người, chỉ biết cho chứ không muốn nhận, có những người cả đời chỉ biết nhận chứ chẳng muốn cho. Công việc, vị trí có thể giống nhau nhưng lòng tốt, đạo đức và nhân cách của con người thì ai may mắn lắm mới được ông Trời ban tặng”.


Tác giả: Võ Đào Phương Trâm


Truyện ngắn Khôn như Sếp, quê em đầy đã được đăng tải trên Trang Blogradio.vn

Commenti


bottom of page