top of page

Món quà đêm Giáng sinh

Ảnh của tác giả: Võ Đào Phương TrâmVõ Đào Phương Trâm

Đã cập nhật: 27 thg 10, 2023

Đing doong! Tiếng chuông ngân nhẹ và trong trẻo từ chiếc loa nhỏ trong căn phòng trọ nhỏ nhắn tinh tươm của một thằng con trai kỹ lưỡng, những bản nhạc giáng sinh được bật lên để nghe không khí Noel đang tràn những cơn gió nồng man mác, đặt một chút hình hài lên khung cửa nhỏ.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Hôm nay là đêm 24 tháng 12, đêm giáng sinh đầu tiên tôi có mặt ở đất Sài Gòn sau hơn nửa năm rời quê lên thành phố bắt đầu cho cuộc hành trình đi tìm việc. Trong không gian yên tĩnh, tiếng đồng hồ tích tắc nghe rõ từng nhịp bên tai và những tiếng nhạc trong trẻo từng thanh âm vang lên nhè nhẹ, tôi khẽ nhoài người ra khỏi chiếc chăn vẫn còn đang cuộn tròn sau một ngày đi làm về mệt rệu rã, bộ áo quần công sở chưa kịp thay ra, vẫn còn nồng nồng mùi mồ hôi và bụi đường nghe xộc lên một cái mùi khó ngửi. Tôi bước chân xuống giường trong một tâm trạng vẫn còn thèm ngủ nhưng phải thức dậy để tắm rửa vệ sinh cá nhân rồi bắt đầu cho mớ công việc còn lại trong ngày. Tốt nghiệp khoa báo chí, gã phóng viên như tôi chật vật để tìm một vị trí ở thành phố đông dân nhất nước, sau 6 tháng trôi qua, gã đã trở thành bạn với những con chữ, máy tính và sách vở, những bài viết chuẩn SEO đổ về ngày một nhiều và gã thanh niên luôn phải chạy đua với thời gian để kiếm tiền và tìm đất sống, nhưng gã vẫn là gã phóng viên nghèo, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ cơm hộp, nước suối, gã ít giao tiếp bạn bè ngoại trừ đồng nghiệp khi cần, chiếc kính mỗi ngày trên mắt gã trở nên dày cộm, ngoài màn hình máy tính ra, gã chẳng biết làm bạn với ai, đôi lúc gã như một người tối cổ cần người ta đào mộ để khai quật gã lên cho gã bắt kịp những câu chuyện thường ngày vẫn diễn ra xung quanh gã, gã viết lách đĩnh đạc và am tường bao nhiêu thì đời sống xung quanh gã lại mù mờ, chậm chạp bấy nhiêu. Gã cũng chính là tôi, một thằng thanh niên nhà quê ôm giấc mộng phát triển tương lai nơi thành phố.

Khi những bài tin cuối cùng theo lịch trình sắp xếp được hoàn thành, cũng là lúc đồng hồ đã điểm 10 giờ 30 tối, tôi – một gã phóng viên đơn độc và thuần túy mộc mạc vội thu xếp mấy thứ đồ đạc của dân viết lách, bỏ vào hộc tủ, cẩn thận khóa chiếc laptop, món tài sản đáng giá nhất cất vào vị trí gọn gàng rồi đi thay một chiếc áo thun và quần tây nhẹ nhàng để xuống phố ngắm Noel.

Chiếc xe Future cũ kỹ của Ba tôi để lại, ngốn xăng như con rồng phun nước, hằng ngày đi làm, tôi luôn phải chắt chiu tìm những con đường ít kẹt xe để tích trữ năng lượng cho đỡ tốn tiền, nhưng hôm nay ra đường, chỗ nào cũng đông nghẹt người, tôi cũng làm liều và chịu chơi một bữa để bác phố với người ta, mà giờ này còn sớm nên tôi ghé vô quán nước dì Ba ở đầu con hẻm, dự định ngồi nhâm nhi ly trà đào cho đến khi gần 11 giờ khuya, tôi sẽ rảo xuống khu nhà Thờ Đức Bà, trung tâm Sài Gòn nổi tiếng là nơi qua lại của người dân đi tham quan trong mùa Thánh lễ hằng năm.

Tôi dừng xe trong con hẻm rồi kéo chiếc ghế nhỏ ngồi xích ra phía mặt đường ngắm người qua lại, quán nước dì Ba có mấy món đơn giản, chủ yếu là café sữa đá, café đen cho mấy chú bác nhâm nhi, nước ngọt truyền thống như sì-ting, cam ép, 7up, coca, sau này có thêm một số sinh viên ở Trường Cao đẳng ghé qua, dì làm thêm món trà đào cam sả, uống cũng đậm đà, thơm mát, vậy là tôi trở thành khách ruột của dì về món đó.

- Dạ, vẫn món cũ nha dì

Chưa đầy 5 phút sau, một ly trà đào cam sả thơm ngon, mát lạnh đã được đặt trên chiếc bàn nhựa nhỏ, tôi bắt đầu nhâm nhi những ngụm nước đậm đà mùi sả tươi, chua chua vị cam và thơm ngọt dễ chịu của đào, dù là chiếc xe nước khá nhỏ, đơn sơ nhưng dì Ba vốn là phụ nữ nội trợ đảm đang nên bán buôn sạch sẽ, làm món nào là ngon món đó nên quán nước nhỏ mà lúc nào cũng có khách ghé thăm.

- Nay đi chơi Nô-en hả anh?

Một cái giọng liếng thoắng, trong trẻo của đứa con gái vang lên ngoài sau lưng tôi, tôi quay qua thì thấy con bé Thuận, con của dì Ba, nó mặc cái áo thun trắng rộng thùng thình như con trai, mắt nheo nheo cười, hai cái răng khểnh to như bàn ủi của nó trông tinh ranh nghịch ngợm, cứ mỗi lần thấy tôi ghé uống nước, là nó lại hỏi vài câu linh tinh nào đó theo giọng điệu Gen Z.

- Nay không đi chơi với bồ hay sao mà ở nhà phụ má vậy nhỏ?

- Thằng nào dám quen em mà bồ với bịch?

- Ủa em làm gì mà tụi nó không dám quen?

Con nhỏ lại nheo mắt cười ha hả

- Nó nói em ăn nhiều mà còn hung dữ

- Ừa, tụi nó cũng có tầm nhìn.

Con nhỏ cong cớn, bước lại gần, nó thốc vào lưng tôi một cái rõ đau:

- Anh bớt nha! Em mà dữ là không có con nào mà hiền.

- Ờ! Em hiền dữ lắm!

- Cái này anh nói đúng!

Nói xong, nó tự vênh mặt cười đắc chí.

- Con này nó khùng! Con để ý nó làm chi.

Dì Ba đệm vô một câu, khiến cái mặt con nhỏ đảo chiều hơn 360 độ, còn tôi thì bật cười đầy khoái trá.

- Con khùng mà dzui cửa dzui nhà! Má sai gì con cũng làm, con nấu ăn ngon nhen!

Con nhỏ lại hếch cái mũi hểnh của nó lên, rồi như nhớ ra điều gì, nó chạy lại phía chỗ tôi, kê sát vào tai tôi hỏi như có điều gì quan trọng:

- Nay hông đi chơi với bồ hả?

- Anh ế giống em!

- Anh đừng nói anh cũng bị khùng giống em nha!

Nói xong, nó lại bật cười khoái trá, trái ngược cái vẻ bí mật ban đầu

- Không, cái đó anh không có giống em!

- Thấy ghê! Thời buổi này không có bồ, chỉ là bị nghèo, hai là bị tưng tưng á!

- Vậy là anh bị nghèo!

- Nghèo hả? Vậy thôi, khỏi cần có bồ, tốn kém lắm!

Nó lại khều vào vai tôi như nhớ ra điều gì mới lạ

- Anh còn nhiêu tiền? Lát dẫn em đi ăn bún bò đi, hai anh em mình đi chơi Noel, anh đâu có rành đường Sì-Gòn, em dân Sì-Gòn nè! Để em chỉ đường anh đi, coi như anh bao em đi ăn hôm nay. Hai anh em mình khỏi cần bồ.

- Ghê dị?

- Ừa, vậy mới ghê!

- Chờ anh chút!

Tôi đứng dậy trước cặp mắt hơi ngạc nhiên của nhỏ Thuận, rồi tôi đi về phía Dì Ba vẫn đang loay hoay bên trong khu pha chế để bán café cho khách, hôm nay Noel nên khách tới quán ngồi cũng bộn. Tôi chờ Dì Ba đi ra, đưa café cho khách xong, tôi mới tới chỗ dì hỏi giọng tự nhiên như thằng cháu.

- Dì Ba, con Thuận nó đòi con chở nó đi Noel, dì có tin tưởng cho con chở nó đi không dì Ba?

Dì Ba dừng tay, mặt hơi chưng hửng, rồi thái độ dì trở nên bình thường, vừa nói, dì vừa phẩy tay

- Đi với con, dì sợ con bị nó ăn hiếp chứ dì không có sợ nó. Mày hiền lành, phóng viên, ai mà sợ gì.

- Trời! Thiệt vậy luôn hả dì?

- Ừa! Nuôi con ai không biết tính. Uống xong nước chở nó đi chơi đi, con này ai hốt nó sớm tao còn khỏe.

- Không nha! Đi chơi noel chứ đâu có cho ai hốt dễ vậy má ơi!

Tiếng con nhỏ vọng lại nghe tanh tách ở phía đầu đường, vang vô tới tận bên trong gần cuối hẻm. Dì Ba nghe xong, chỉ lắc đầu chào thua, còn tôi thì nhìn ra, chỉ khẽ bật cười trước sự tinh ranh mà vẫn còn đậm mùi ngây ngô của nó.

Uống xong ly trà đào, tôi gửi tiền cho dì Ba rồi dẫn chiếc xe máy ra phía trước, lúc này, nhỏ Thuận đã leo thót lên ngồi làm tôi mất thăng bằng, loạng choạng, chưa kịp nói gì, nó đã đánh vào lưng tôi một cái rõ mạnh, nhỏ này, con gái mà mạnh bạo như vậy hèn gì tới giờ chưa có đứa nào dám rước, chắc vì nó cũng sợ mấy cú đánh hú hồn của nhỏ như tôi.

- Rồi, đi đi anh, thẳng phía trước, đi về nhà thờ Đức Bà nghen!

- Con đi nha dì Ba ơi!

- Ừa, đi xe cẩn thận nghen! Đường xá đông lắm nha con!

- Dạ Dì!

Tôi nói với vào trong quán thì dì Ba cũng nói vọng ra, giọng nghe có vẻ tin tưởng, mà không hiểu sao dì lại tin tưởng tôi trong khi mới lần đầu tôi chở con gái dì đi chơi như vậy, chắc dì thấy tôi là mối quen ở quán nước của dì, mà chắc là tôi ở cách trong hẻm mấy căn cũng gần nên dì yên bụng.

Con đường Sài Gòn tối đêm Giáng Sinh đẹp rực rỡ trong những ánh đèn đủ màu tạo thành một thảm ánh sáng mênh mông ngút ngàn, những con đường đông nghịt người qua lại, những chiếc xe loang loáng trên lòng đường, lướt đi hòa trong ánh sáng lung linh, hai bên đường, những cửa tiệm trang hoàng lộng lẫy, những khu thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn trang trí những cây thông cao lừng lững với tràn ngập những hộp quà xanh xanh đỏ đỏ, những dây đèn rũ dài chớp tắt liên hồi, Sài Gòn như một thánh đường sáng trưng trong ánh đèn từ những tòa nhà, những nhành điện hai bên góc phố, không khí Giáng sinh ngập tràn màu sắc tạo thành một không gian lung linh huyễn hoặc và sang trọng, như sự thôi miên đối với những người từ quê lên thành thị như tôi, phải ngơ ngẩn như đứa trẻ bởi sự thu hút từ những ánh sáng rực rỡ, kiêu kỳ và đậm nét tây phương hiện đại.

- Hồi đó ở dưới quê, anh có đi chơi noel giống vậy không?

- Không em! Anh ở vùng sâu vùng xa, ra được tới Tỉnh cũng cả ba, bốn chục cây số, đường ruộng không à, đâu có đi chơi Noel được.

- Vậy là lần đầu tiên anh đi luôn đó hả?

- Sau này anh học lên Đại học, ngày Noel có chạy ngoài đường lộ, cũng thấy người ta trang trí nhưng ít lắm, mà đâu được đi ban đêm, nay lần đầu tiên anh mới thấy cảnh đón Noel vậy đó!

- Trời! nghe mà không tin nổi!

- Ừa! nhiều người không tin anh lần đầu tiên đi chơi Noel đâu!

- Không! Nhiều khi trong xã hội cũng có nhiều người cần phải được khai quật giống anh lắm!

Nhỏ Thuận nói xong rồi lại cười ha hả ngoài sau lưng. Rồi nó đập tay vào lưng tôi một cách bất ngờ, ra tín hiệu ngừng xe lại.

- Anh, anh, ngừng lại, ghé vô đây chút!

Tôi không kịp hỏi, chỉ biết thắng xe rồi tấp vô trong lề theo yêu cầu của nó. Lúc này, nó nhanh nhẹn leo xuống xe rồi kêu tôi dẫn xe vô trong lề chút nữa, chắc nó định đứng ở đây một lúc lâu nên mới kêu tôi tìm chỗ đậu xe cho yên vị.

Tôi thấy nó đi nhanh về phía một chiếc xe đẩy, người bán đang xoay xoay một chùm gì đó như mây trong cái nồi, nó nắm tay tôi chạy lại chỗ chiếc xe treo đầy những bịch kẹo bông màu trắng.

- Vô đây mua cái này nè anh!

Nói xong thì nó đã đứng ngay phía trước chiếc xe, tôi thấy cặp mắt nó ánh lên cái nhìn đầy thích thú, đôi mắt trong veo của nó cứ nhìn những chùm kẹo ngày một phình to ra, nó quay qua hỏi tôi một cách dí dỏm:

- Anh biết cái này gọi là gì không?

- Anh không biết rõ lắm, nhìn giống như mây

- Kẹo bông gòn á! Hồi nhỏ em hay mua ăn! Dưới anh chắc không có bán hả?

- Ừ! Anh không thấy bán!

- Anh ăn thử nha, thơm lắm.

Sau màn giới thiệu sản phẩm rất nhiệt tình của nó, nó hào phóng đặt mua ba bịch kẹo to đùng, mà đúng là cái mùi kẹo bông gòn thơm thật, cái mùi ngọt như vani, nghe là đã muốn lấy ngay một nhúm cho vào trong miệng.

Người bán kẹo vẫn thổi những nhúm kẹo và xoay tay liên tục, những bông kẹo ngày một to dần và tỏa mùi thơm ngào ngạt, nó móc tiền ra trả thì tôi ngăn lại, hôm nay, tôi dành trả vì muốn thưởng thức thử cái loại kẹo này.

- Để anh trả tiền cho.

- Trời! anh cũng ga lăng dữ, mà cái này em mời, anh ăn thử, mốt ngon thì anh tìm mua cho em ăn lại.

Nó lại tít mắt cười, trên tay đã cầm ba bịch kẹo căng phồng, trắng muốt.

Nó đưa tôi một bịch, kêu tôi ăn thử, tôi cũng háo hức như đứa trẻ con vừa được tặng quà vì lần đầu tiên tôi thấy loại kẹo được chế tạo ngay trước mặt và bị đánh thức cơn thèm vì mùi vị ngọt ngào thơm tho của nó. Tôi ngắt một nhúm kẹo cho vào miệng, cảm giác nó tan như bọt nước, vị ngọt bắt đầu se lại nơi đầu lưỡi, quyện vào cổ họng, mùi thơm ngọt nhẹ như mùi vani làm cho tôi thấy thích thú. Tôi cho nhúm kẹo thứ hai vào miệng và chưa đầy 5 phút sau, bịch kẹo bông gòn thơm ngọt đã nằm yên vị trong cái bụng của tôi.

- Ngon không mà ăn nhanh vậy?

- Trời! nó như nước đá, bỏ vô miệng là tan mất tiêu, có nhai đâu mà nhanh hay lẹ!

- Mà ngon đúng không?

- Ừ, nghe là lạ!

- Món kẹo tuổi thơ đó anh, hồi xưa đi học hay được ăn ngoài trước cổng trường, giờ lâu lâu em mới thấy người ta bán lại.



Ảnh minh họa, nguồn internet


Vừa nói, nhỏ Thuận vừa bóc nhúm kẹo cho vô miệng, cặp mắt nó vẫn hướng về phía ngoài đường phố nhộn nhịp, tấp nập xe cộ và những ánh đèn lung linh sắc màu. Bên kia đường, những tiệm ăn đẹp như thiên đường với thảm đèn rực rỡ, lúc này, tôi đi lại phía chiếc xe bán kem, nhìn người đàn ông với gương mặt gầy gầy, làn da sạm đen, đội một chiếc mũ vải, cái áo xanh đã ngã màu, sờn bạc, chiếc xe máy cũ kỹ chở thùng kem bằng xốp, trên xe có chiếc chuông đồng, lắc nghe leng keng, tự nhiên làm tôi nhớ lại hồi còn nhỏ xíu, thỉnh thoảng trưa hè, có chú bán kem chạy xe đạp trên đường làng, cũng lắc cái chuông leng keng, rồi đám con nít tụi tôi chạy ra, cầm trên tay những tờ giấy bạc nhăn nhúm đổi lấy những cây kem, cầm trên tay chiếc kem nhỏ bốc khói, có khi chỉ là kem đá mà gương mặt đứa nào cũng rạng rỡ và hào hứng. Những chiếc kem lạnh ngắt, cắn vào nghe tê cả chân răng, món ăn đơn giản, rẻ tiền của tuổi thơ chợt hiện về trong tầm mắt khi tôi nhìn thấy người đàn ông bán kem đang dựng chiếc xe đứng sát mép lề công viên.

- Chú lấy cho con hai cây kem đi chú!

- Ăn kem gì đây con?

- Dạ có kem gì vậy chú?

- Kem đậu xanh, đậu đỏ, kem ốc.

- Dạ, chú lấy con 2 cây kem ốc quế, 01 cây đậu xanh, 01 cây đậu đỏ.

Một cái bọc đựng kem đưa ra, tôi cầm hai cây kem ốc quế với 2 cây kem đậu đi về phía nhỏ Thuận.

- Ăn cà-rem đi nhỏ!

- Ủa! anh mua hồi nào vậy?

- Mới mua.

- Trời lạnh, ăn kem coi bộ ngon!

Con nhỏ nói mà miệng cười tươi như hoa lộ hai cái răng khểnh to đùng bự chảng, nó cầm cây kem ốc quế ăn một cách ngon lành, ăn hết lớp kem, nó nhai cái bánh nghe rào rạo, trong khi tôi chưa ăn xong lớp kem lạnh ngắt thì nó đã ăn xong cây ốc quế, rồi nó lấy tiếp trong cái bọc ra cây kem thứ hai.

- Kem ngon, em ăn kem đậu đỏ.

- Ăn nhanh vậy hả?

- Ăn cho nhanh chứ để nó chảy tùm lum.

Nói chưa dứt câu là nhỏ Thuận đã cho cây kem đậu vô miệng cắn cái bụp, trông nó ăn một cách ngon lành, khói bốc ra từ miệng, nó thích thú khi nhìn thấy làn khói lạnh tan vào không khí.

- Ăn xong chạy ra nhà thờ Đức Bà nha anh! Đi chắc cũng hơn 30 phút mới ra được tới đó.

- Ừ! Nay người ta đi đông dữ thần.



Ảnh minh họa, nguồn internet


Sau khi tăng tốc để xử lý nhanh hai cây cà-rem lạnh ngắt, tôi chưa kịp có thời gian nhớ lại cảm giác thú vị của trẻ con ngày xưa thì đã phải leo lên xe chở nhỏ Thuận đi về hướng nhà thờ Đức Bà, 11 giờ 30 khuya, dòng người mỗi lúc một đông, những chiếc xe máy lẫn xe oto đổ ngày một nhiều về hướng trung tâm thành phố, những chiếc xe nhích chậm dần vì khắp các ngã đường đã đầy nghẹt phương tiện giao thông. Hai bên đường, thanh niên, thiếu nữ trong những bộ đồ thanh lịch, trẻ trung hiện đại bước ra từ những hàng quán, cửa tiệm, những đôi nhân tình lãng mạn trong không gian sang trọng của những quán cafe, cùng sánh vai nhau đi trên con đường tràn ngập ánh đèn, những nhóm người bách bộ hai bên vỉa hè, cùng nhau chụp ảnh, màu của Giáng sinh hiện hữu khắp nơi, những du khách nước ngoài với áo thun, quần short ngồi trong những quán Bear hoặc đi thong dong trên những góc phố, nhìn người qua lại.


- Hôm nay giáng sinh nên người tây nhiều ha!

- Đúng rồi anh! Người Tây họ ăn noel lớn như Tết tây vậy á!

- Sài Gòn Noel đẹp ghê nơi!

- Quá đẹp luôn chứ! Hồi còn sinh viên, em với nhỏ bạn hay đi bộ xuống phố chơi, giờ già rồi, đi hết nổi.

- Trời! mới bi lớn mà kêu già.

- Gần 30 là già rồi.

- Cứ nghĩ mình còn trẻ đi, cứ vui tươi hồn nhiên, tuổi tác sẽ ở phía sau lưng.

- Trời, hôm nay anh triết lý dữ vậy?

- Cái đó là thiệt, không phải triết lý.

- Anh! Thôi quay về đi, đi lát kẹt xe về trễ lắm!

Nhỏ Thuận tự nhiên thay đổi ý định, nó vỗ vỗ vào vai tôi kêu tôi quay xe trở về, tôi không biết nó nghĩ gì nên cũng hơi thắc mắc:

- Sao không đi nữa?

- Mình đi chỗ khác, em chỉ đường anh đi.

- Không đi ăn bún bò nữa hả?

- Thôi, để dịp khác, hôm nay có cái này quan trọng hơn.

Tôi không biết nó muốn đi đâu, nhưng cũng nghe theo ý nó vì ở Sài Gòn này, tôi cũng đâu rành đường gì mấy, thế rồi nó kêu tôi chạy về khu vực Gò Vấp, cũng gần nửa tiếng đồng hồ, tôi và nó mới qua được dòng người và xe chật cứng ở trung tâm để rẽ về khu vực tương đối vắng hơn một chút. Rồi nó lại đập vai tôi, kêu tôi tấp xe vào một cửa tiệm bán đồ trang trí Noel, nó nhảy thoắt xuống xe, đi nhanh vào cửa hàng trước sự ngạc nhiên của tôi, nó kêu tôi đứng đây chờ nó. Khoảng 5 phút sau, nó quay trở ra với một cái bọc đồ màu đỏ, lúc này, nó mới nói tôi nghe về "ý đồ" của nó:

- Lát anh mặc bộ này rồi vô nhà kia với em.

Tôi nhìn bộ đồ rồi ngờ ngợ.

- Anh làm ông già Noel hả?

- Chính xác.

- Nhưng ông già Noel là phải có quà.

- Thì lát em ghé qua kia mua quà.

- Sao hôm nay có kế hoạch đột xuất vậy? Sao không nói trước anh biết?!

- Em mới nhớ ra.

- Vậy giờ chạy qua bên kia, mua bánh kẹo hay gì đó, chứ ông già Noel ai lại đi tay không.

- Em đang tìm chỗ mua nè!

- Lên xe đi, gần 12 giờ rồi.

Nhỏ Thuận vội leo lên xe theo mệnh lệnh của tôi, rồi tôi chở nó băng qua phía bên kia đường, vô một cái tiệm tạp hóa vẫn còn đang mở cửa, giờ này gần 12 giờ khuya, có nhiều nơi cũng đã đóng cửa nghỉ bán rồi nên tôi và nhỏ phải tranh thủ tấp vô tiệm nào còn để mua cho được những món quà bánh kẹo, tôi chẳng kịp nghĩ gì sâu xa hơn, chỉ là nó kêu tôi đi đâu thì tôi đi đó, rồi nghĩ đến ông già Noel tặng quà cho trẻ con thì phải có bánh kẹo trong cái túi, thế là tôi chở nó đi mua mà chưa hình dung được đằng sau câu chuyện nó muốn tìm đến là gì.

- Nè, nè! Để anh mua bánh kẹo cho.

- Thôi, để em mua, cái này là kế hoạch của em mà.

- Khùng quá đi, kế hoạch gì, hôm nay hai anh em cùng hợp tác.

- Vậy hả? Anh còn bao nhiêu tiền?

- Trời, nhanh dữ vậy luôn hả?

Tôi hơi bất ngờ vì cách thay đổi thái độ nhanh như chớp của nhỏ Thuận.

- Không, em hỏi thiệt.

- Gom hết tháng này, hy sinh làm ông già Noel.

- 600 ngàn mua bánh kẹo với con gấu bông, hai anh em chia đôi, ok hen!?

Nhỏ Thuận hỏi rồi nheo mắt cười, tôi lườm nó một cái rồi đi te te vào tiệm tạp hóa.

- Anh trả 600 ngàn, em mua đi. Lần đầu tiên được làm ông già Noel mà. Mua lẹ đi, khuya rồi.

Nhỏ Thuận lại cười tít mắt, nó nhanh nhẹn vô cửa hàng tạp hóa lấy một mớ bánh kẹo, lỉnh kỉnh đem ra, sau khi trả tiền xong, tôi và nó bỏ những gói bánh kẹo vào cái túi vải mà nó đã mua trong một cửa tiệm cùng với bộ đồ ông già Noel và con gấu bông xinh xắn.

- Em mua combo này hết bao nhiêu tiền vậy?

- Không có bao nhiêu. Anh chạy đi, em chỉ đường.

Nó lờ câu hỏi của tôi rồi vỗ vỗ vào lưng chỉ tay tôi chạy về phía trước, từ những con đường lớn rồi bắt đầu lòng vòng vô khu vực vắng vẻ hơn của những con hẻm nhỏ, những dãy đèn, thảm ánh sáng thưa thớt dần, thay vào đó là những ngôi nhà của xóm lao động với ánh đèn đường vàng vọt, có những căn nhà của người công giáo, họ giăng đèn và treo lồng đèn ngôi sao phía trước với những hang đá nhỏ lấp lánh ánh sáng, chiếc xe tôi chạy vào con hẻm ngày một nhỏ dần, những luồng ánh sáng lùi lại sau lưng, phía trước mắt hiện lên những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Nhỏ Thuận vỗ vai tôi kêu ngừng lại bên một ngôi nhà khóa cổng ven đường.

- Anh ngừng lại đây, mặc bộ đồ ông già Noel vô rồi mình chạy tiếp.

Lúc này, tôi mới nhớ ra nhiệm vụ của mình, tôi xuống xe rồi mặc vội bộ đồ, nhỏ Thuận tranh thủ gắn chùm râu rồi đội giúp tôi cái nón, sau khi trang phục đã mặc xong, nó ngó nghiêng từ trên xuống dưới lần nữa, rồi nó phì cười.

- Ông già Noel này hơi thiếu cái bụng.

Nói xong, nó vội cởi cái áo khoác ra, cuộn nhanh lại rồi hối thúc tôi

- Anh nhét vô bụng đi, chứ ông già Noel mà ốm quá nhìn hổng có giống.

- Trời!

Nhưng rồi tôi cũng phải nghe theo lời nó như một nhân viên nghe theo yêu cầu của lãnh đạo, mà tôi phải công nhận nhỏ Thuận này tuy nhỏ nhưng nó có cái đầu nhảy số nhanh, cái gì nó cũng có thể nghĩ ra và xoay sở được nếu có thể. Không mấy chốc, từ một thanh niên mảnh khảnh, tôi đã hô biến thành ông già Noel to lớn với cái bụng phốp pháp rất ra dáng ông già Noel thứ thiệt. Nhỏ Thuận chắc cũng tạm hài lòng với phần biến hóa của tôi nên leo lên xe rồi ra hiệu cho tôi chạy tiếp. Chiếc xe lại lách vào những con hẻm tối, những cái ổ gà lổn nhổn giữa đoạn đường xuống cấp, thỉnh thoảng lại bắn nước văng tung tóe, những làn ánh sáng cũng mỗi lúc thưa dần, cho đến khi xe tôi dừng phía trước một căn nhà cũ kỹ, che tạm bằng mái tôn lụp xụp, những cánh cửa lá xách bạc màu, bong tróc lớp sơn, căn nhà toát lên một vẻ u buồn.

- Mình đi vô đây.

Tôi chưa kịp nghĩ gì nhưng trong đầu cũng thầm đoán ra là vào đây tặng quà cho trẻ em, mà là trẻ em nghèo trong xóm lao động. Nhỏ Thuận bước lại cánh cửa, nó cất tiếng gọi.

- Chị Vân ơi!

Lát sau, một người phụ nữ với dáng vẻ nhỏ nhắn, ốm ốm bước ra, chị nhìn chúng tôi có vẻ hơi ngạc nhiên nhưng ánh mắt hiện lên sự vui mừng lạ lẫm khi thấy tôi trong bộ áo quần của ông già Noel đang đứng trước cửa.

- Có ông già Noel đến tặng quà cho bé Thanh nè chị!

Chị Vân nở nụ cười trên gương mặt xương xương với đôi mắt đượm màu héo hắt. Tôi đi theo nhỏ Thuận vào nhà, căn nhà lụp xụp với nền gạch bông cũ kỹ, có chỗ bị bong lên, bước chân lên nghe sụt sịt, ngôi nhà không có gì đáng giá với mớ mùng mền, chăn màn nằm lẫn vào khu vực nấu ăn, chị dẫn tôi và nhỏ Thuận đi sâu vào bên trong góc khuất căn nhà, rồi dừng lại trước một cô bé đang nằm trên chiếc giường nhỏ.

Một cảm giác bất ngờ và tim tôi hơi hẫng nhịp khi tôi nhìn vào ánh mắt cô bé, ánh mắt không trong trẻo như một đứa trẻ khỏe mạnh, cánh tay cô bé gầy gò khẳng khiu với làn da trắng xanh nhợt nhạt, một cái đầu trọc nhẵn không có tóc, cô bé nhìn về phía tôi bằng cái nhìn lạ lẫm xen lẫn niềm vui còn sót lại trong ánh mắt mỏi mệt.

- Ông già Noel đến thăm con nè!

Nhỏ Thuận ngồi xuống giường, nó khẽ nắm bàn tay nhỏ xíu với những ngón tay gầy liu xiu của cô bé 6 tuổi, cô bé có vẻ đang mắc một căn bệnh nặng, tôi nhìn cô bé, muốn cất tiếng hỏi thăm nhưng hôm nay đến đây, chúng tôi không phải làm một bài phỏng vấn về hoàn cảnh mà là mang niềm vui, hạnh phúc cùng món quà yêu thương đến cho những đứa trẻ, từ ông già Noel thần thoại.

Tôi bước đến cạnh cô bé rồi nắm lấy bàn tay của cô, tôi xoa tay lên gương mặt bé xíu rồi khẽ hôn lên trán cô bé, một làn hơi lạnh từ da thịt của người bệnh làm lòng tôi nghe nằng nặng. Chiếc túi màu đỏ được mở ra, tôi lấy trong đó những hộp bánh quy, sữa tươi và kẹo ngọt đặt xung quanh cô bé, sau cùng, tôi lấy một con gấu bông nhỏ mịn màng đặt vào giữa đôi tay đứa trẻ, cô bé nhoẻn miệng cười, một nụ cười hiếm hoi làm sáng bừng khuôn mặt vốn đã bao ngày qua không thần sắc, không biểu lộ những vui buồn và nặng nhọc trong những cơn đau đớn.

- Ông già Noel tặng con! Chúc con mau khỏe mạnh nhé!

Tôi cúi xuống gần hơn với gương mặt cô bé rồi nói khẽ, cô bé khẽ gật đầu ngoan ngoãn và hạnh phúc khi lần đầu tiên được gặp ông già Noel đến trong căn nhà nghèo nàn, lụp xụp, tặng cho cô bé những món quà ngọt ngào và đẹp đẽ.

- Em là một em bé ngoan, em là một thiên thần! mọi điều tốt nhất sẽ đến với em!

Thuận xoa tay nhè nhẹ lên đôi gò má của cô bé bằng lời động viên, đôi mắt của cô bé hòa trong đôi mắt Thuận, chợt trong veo và rực rỡ…

Tôi và nhỏ Thuận rời ngôi nhà nhỏ âm u, bừa bộn và và ngột ngạt khí Trời, lòng vẫn còn nghe âm âm nằng nặng. Chiếc xe rời đi, từ từ ra khỏi con hẻm nhỏ, nhỏ Thuận ngồi sau lưng tôi thủ thỉ:

- Em bé bị bệnh ung thư gan, mấy năm trước em ở xóm này, hay dẫn bé đi chơi, bé bị bệnh hơn một năm nay, bác sĩ nói chỉ sống được vài tháng nữa.

Tôi im lặng không đáp lời nhỏ, những làn gió lạnh về khuya đang tràn dần lên lòng thành phố, trong thâm tâm, tôi chợt cầu mong đêm nay không phải là mùa Noel cuối cùng tôi được đến tặng quà cho cô bé có đôi mắt buồn. Tôi dừng xe lại, luồng tay vào trong bụng để lấy ra cái áo khoác cho nhỏ Thuận.

- Em mặc vô đi, Trời lạnh rồi!

Nhỏ khựng lại như chợt nhớ ra cái áo khoác nãy giờ vẫn còn nằm trong bụng tôi, nó cầm lấy rồi khoác vội lên người, chiếc xe tôi tiếp tục chạy đi, lướt qua những bóng đèn vàng trên phố xá, ánh mắt đứa trẻ và mùi hương thoang thoảng từ chiếc áo khoác của nhỏ Thuận làm cho đêm mùa đông ở Sài Gòn, thâm trầm đến lạ!


Tác giả: Võ Đào Phương Trâm

Truyện ngắn Chiếc quà đêm giáng sinh đã được đăng tải trên các trang:

Commentaires


bottom of page