top of page

Về quê

Ảnh của tác giả: Võ Đào Phương TrâmVõ Đào Phương Trâm

Sau một cơn mưa bạt ngàn của đêm qua, sáng ra, mặt đất còn ẩm ướt, loang lổ những vùng nước đọng quanh sân. Chái bếp lũ rũ những vạt dừa nước cũ kỹ, nhá nhem lẫn trong màu khói.


Ảnh minh họa, nguồn internet

Bé Ba lục đục tìm cái rổ, cặp nách nhanh nhẹn đi ra phía sau hè, nó nói Hai đi theo nó, rồi nó ra phía mấy bụi cải Trời, tay nhanh nhẹn bẻ từng nhánh cải, nghe giòn rụm. Mới có một đêm mưa mà cải lên xanh non, dày bi dày bít một khoảng vườn nhà, cứ vài bữa, bé Ba lại tranh thủ hái một lần, không thôi bầy gà lại nhào ra mổ, mỗi lần thấy đám cải quăn queo, ngã rạp là bé Ba cứ tiếc hùi hụi.

Cái góc vườn nhỏ này mọc đầy rau và cỏ dại, chẳng ai trồng, cũng chẳng ai coi sóc trông nom, được mấy bận mưa rào thì đủ loại mồng tơi, rau dền, rau chại mọc chen chúc xanh rờn, chỉ cần đi một vòng là có cả rổ rau tập tàng đủ loại, cho một nồi canh thanh mát ngày hè hay một chén canh nóng ngày mưa gió cũng đủ ấm lòng chiều lạnh.

Đi được mấy vòng, hái được một rổ rau cũng đủ một nồi canh, bé Ba lại kéo hai Duyên đi ra phía mép sông để lấy cái xuồng chở chị sang một con rạch nhỏ, nó khua cái dầm đẩy mớ lục bình dày đặc đang bám quanh chiếc xuồng nhỏ, cái xuồng rẽ dòng nước bạc, trôi chầm chậm trên nhánh sông quê, đang mùa nước nổi.

Hai Duyên ngồi phía sau, đưa bàn tay phẩy phẩy làn nước mát, những đường nước rẽ đôi, chạy dọc mạn xuồng, cái dầm gỗ chạm mặt nước sông, nghe trong vắt. Bé Ba tấp chiếc xuồng vô cạnh mép bờ, cái dáng mảnh khảnh của con nhỏ kéo chiếc xuồng vô bờ coi ạch đụi.

Gần nhà có con rạch nhỏ, nói là rạch nhưng thật ra là nhánh rẽ của con sông cái, mùa này nước lên, bông súng mọc đầy, ngó nào ngó nấy gần bằng cả ngón tay cái.

Bé Ba chỉ tay ra phía xa xa, nơi có mấy bông súng nở bằng bàn tay, giọng con nhỏ trong veo:

- Hai lội xuống hái bông súng ko? Mùa này nước cạn.

Nhìn cái rạch nước mênh mông, phủ đầy bên trên màu xanh nâu của đám bông súng, không ước chừng được nó sâu hay cạn cỡ nào bởi lâu rồi, Hai ở trên thành phố, có lội xuống mương xuống rạch nữa đâu.

Duyên khoác tay, lắc đầu nguầy nguậy:

- Thôi, bé Ba hái đi, hai sợ đỉa quá. Lâu rồi ko lội rạch lội mương, giờ cũng nhát cái chân.

Nghe tới đó, bé Ba cười khúc khích. Cái bóng nhỏ nhắn men theo bìa rạch rồi lướt đi ra giữa dòng nghe lủm chủm, mặt nước lay động, đung đưa những bông súng tím.

Độ chừng 10 phút, bé Ba quay lại vào bờ, trên tay là một mớ ngó súng cuộn tròn, nâu mươn mướt. Đôi mắt nó long lanh, nheo nheo dưới cái nắng sắp qua giờ ngọ, nụ cười con bé nhà quê tươi giòn còn hơn cả nắng:

- Nhiêu đây cũng được cả bữa cơm hen Hai.

- Ừa, thôi tranh thủ dìa sớm. Nhiêu đây ngó chừng cũng bộn bộn rồi.

Hai chị em ôm cái rổ rau tập tàng với mớ ngó súng gọn lẳng trên tay, mình mẩy sũng nước đi về, chân cẳng lấm lem bùn đất, xa xa, bóng hai đứa con gái cứ liêu xiêu, đổ dài trên đồng ruộng, giữa cái yên ắng, tiếng gà thoai thoải phát ra từ những ngôi nhà tranh nằm lẫn trong giậu rào bầu bí, hai cái bóng nhỏ trên bờ đê, ngày một nhỏ dần rồi khuất giữa cánh đồng xa tít bạt ngàn, chỉ có màu cháy vàng và mùi thơm rơm rạ.

Giữa gian bếp lợp tạm lá dừa, dựng bằng vài tấm gỗ đã bám rêu xanh, khói rơm thơm mùi đồng nội khiến người ta, dù lạnh nhạt đến đâu cũng thấy chạnh lòng, ừ! thì quê hương cứ bình yên như cái mảng khói lam chiều, như những cánh đồng có đàn cò trắng, thơm mùi mạ non, mùi lúa sữa, ngọt như nụ cười cô thôn nữ tuổi cập kê, làm dịu lòng người phố thị. Những bữa cơm đạm bạc, nấu bằng cái nồi gang cũ, bám khói đen ngòm mà ăn ngon hết biết, mùi tô canh chua nóng hổi với lá me non, nồi canh tập tàng mát rượi hay những nhánh sông dài xuống lên mùa nước nổi...giữa phố thị đầy rẫy ngột ngạt, nghĩ đến đó, ai mà chẳng muốn về.

Loay hoay một hồi, hai chị em cũng xong được bữa cơm trưa, chỉ có tô canh tập tàng, chén nước mắm dầm ớt cay xé mây xanh, với dĩa khô chiên giòn rụm. Bé Ba hí hửng với cái nồi canh chiến lợi phẩm, nó cứ hít hà:

- Ngon ghê Hai ơi, bé Ba nấu là hết sẩy.

- Tía má giờ này còn ở ngoài đồng, không biết sắp dìa chưa, để Hai chạy ra kêu Tía Má dìa ăn cơm cho nóng.

Đoạn, vừa định nhỏm dậy chạy ra đồng thì hai đứa nghe tiếng lục đục phía bên hè, ngoáy nhìn ra thì thấy Tía đang gác mấy cái đồ đạc làm đồng đem đi cất, Má thì loay hoay rửa chân ở cái vại nước bên hiên nhà.

Cái áo sũng ướt mồ hôi, Tía coi bộ cũng đói bụng rồi, nông dân làm đồng thì mạnh ăn mà ăn đúng bữa, trễ chút là ko nhịn được. Biết vậy nên bé Ba ngày nào cũng làm cơm sớm để Tía Má về ăn cho kịp, chiều còn phải ra đồng.

Mấy bữa rày, Hai về nhà, mâm cơm có đủ bốn người, Tía Má cũng vui ra, vừa ăn, Tía cứ vừa khen bé Ba bữa nay nấu giỏi, canh ngọt vì có đủ tôm khô, mấy lần nấu canh toàn không người lái. Khô chiên cũng không bị khét, vừa miệng cả nhà, dù có 2 món đạm bạc, rẻ tiền mà ăn muốn sạch nồi cơm.

Rồi, Tía lại quay qua ngó bé Hai, mắt Tía có vẻ bần thần, dọ thám:

- Rồi con bé Hai định bận này dìa tạm hay ở luôn? Nhắm tình hình ko ổn thì thôi, dìa quê bà nó cho rồi. Đường xá xa xôi, chạy lên chạy xuống hoài cũng cực lắm bây ơi!

Hai chưa kịp trả lời thì Má cũng thêm vô:

- Thời buổi này mà lên thành phố cũng đâu có dễ sống, thôi dìa quê trồng rau nuôi cá, mươi mốt kiếm chỗ làm gần, có gì dìa nhà cũng dễ.

Chắc cũng lâu lắm rồi, Tía Má muốn bé Hai bỏ phố về quê mà không dám nói, sợ con nhỏ nó buồn, mà sẵn dịp này, coi bộ Tía Má cũng đồng lòng ra mặt.

- Hai dìa nhà, đi lội ruộng, lội rạch hái súng với bé Ba, đi bắt ốc bắt cá, hai chị em mình trồng thêm mớ rau, nuôi thêm bầy gà đẻ trứng, ăn mệt nghỉ.

Bé Ba vừa nói, vừa nheo nheo đôi mắt ra chiều thích thú, cái mặt con nhỏ ngây thơ coi dễ thương hết sức.

Lùa lùa đũa cơm vô miệng, tự nhiên cảm giác nghèn nghẹn cứ ở trong cổ hai Duyên, nó lấy chén cơm cố che che cái mắt đang đỏ ửng, cay xè.

Bao lâu rồi, kể từ khi xa quê, nó cứ tấp nập chốn thị thành, cơm ngày 3 bữa, về chỗ trọ chỉ kịp ngã lưng là ngủ, cuộc sống cứ xoay vần, hết ngày này qua tháng nọ, đã bao giờ nó nghĩ rằng, một ngày nào đó, nó sẽ dứt ra khỏi cái cuộc sống đang vắt kiệt sức trẻ của nó ở những khu công nghiệp, từ sáng đến tối, cắm mặt vào đống vải xồ, đôi mắt muốn mờ, chẳng còn khoảnh khắc nào để nghĩ đến hình ảnh của cái gia đình nhỏ ở quê.

Rồi nó lao vào cuộc tình với người đàn ông làm cùng xí nghiệp, trải qua những năm tháng dốc trọn niềm tin yêu, sự ngây thơ khờ dại cho một gã trăng hoa, nó nhận ra mọi thứ chỉ là ảo ảnh. Người ta chỉ coi nó như một bến đỗ dọc đường, dừng chân nghỉ tạm rồi lại về với thế giới riêng của họ.

Khi nó nhận ra sự đen tối của lòng người cũng là lúc mọi thứ trên cao rơi xuống tận cùng vực thẳm, nó như một kẻ bịt mắt mò mẫm giữa lối đi, nó chẳng biết đi đâu khi một ngày người đàn ông biến mất mà chẳng để lại một lời nhắn gửi. Giữa ngổn ngang cay đắng, nó cũng chẳng bận tìm vì nó đã đuối sức trong cơn lặn ngụp của phũ phàng bạc thếch, khi mọi thứ chỉ như canh bạc trò đùa.

Vậy là nó khăn gói về quê, về lại cái nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại miền đất hứa sau lưng, chắc giờ này, chẳng có chỗ nào đủ bình yên để người ta nghĩ đến, ngoài cái nơi mà bao nhiêu năm trước, người ta đã khăn gói rời đi, rửa sạch đất phèn ở gót chân để làm người thành phố.

Thấy nó cứ lẳng lặng bưng chén cơm, cái mặt thì cúi gằm, Tía Má với bé Ba cũng im lặng theo, chẳng ai nói nữa. Nghĩ trong bụng:"Dễ gì mà con nhỏ đồng ý, nó muốn lên thành phố, muốn sống ở thị thành chứ dễ gì chịu về lại ở quê, bùn phèn nhem nhuốc".

Duyên lấy tay quệt quệt cái mũi, ăn cơm mà mắt mũi bỗng đỏ hoe. Bé Ba nó xìu cái mặt, dường như hối lỗi vì sợ Hai buồn.

- Lần này con dìa với Tía Má luôn.

Tía Má quay nhìn nhau, điệu bộ dường như vẫn chưa đinh ninh là thiệt. Cũng chẳng ai nói với ai tiếng nào, sợ con nhỏ giận lẫy rồi nói vậy.

- Con dìa nhà làm nông với Tía Má, mỗi ngày đi hái bông súng, tát cá dưới đìa chung với bé Ba, bỏ quê riết rồi cái đìa bông súng ngoài kia mà con cũng không biết sâu cạn cỡ nào.

Thấy Tía trầm ngâm, bỏ chén cơm xuống bàn cái bịch, Tía quay lưng đi vô trong cái buồng nhỏ. Sau lưng, mọi người lẳng lặng trong bữa cơm nghèo.

Má thì coi bộ vui vẻ phần nào vì má nhìn bé Hai ra chiều nói thiệt chứ không giận lẫy nói bừa.

- Ừa, thôi dìa nhà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo con ơi.

Coi bộ chắc mẫm Hai không nói lẫy, cái mặt bé Ba trở nên hớn hở, nó nở nụ cười tươi, lộ hai cái đồng điếu ăn tiền trên gương mặt.

Duyên lại quay đầu ngó vào buồng, thấy Tía đã đi ra phía hàng ba trước nhà, ngồi trầm ngâm ở bộ bàn ghế gỗ, chỗ Tía làm để tiếp mấy chú bác uống Trà, mỗi lần làm đồng, hay ghé sang chơi rồi bàn đủ chuyện như thời Tam quốc chí.

Tía hớp từng ngụm trà nhỏ, nó chẳng biết Tía nghĩ gì. Nó lục đục dọn dẹp mâm cơm, ra sau nhà rửa chén rồi cho đàn gà nhỏ ăn vài ngụm lúa. Lát sau quay trở lên nhà, nó ngồi tần ngần trên cái phản gỗ, dặt dề mấy bó cải mần dưa vô khạp muối, mắt vẫn quan sát coi Tía có động tĩnh gì khác hay không.

Lúc này, nó nghe Tía gọi:

- Bé Hai lên đây Tía hỏi chút coi

Nó đẩy vội cái khạp dưa muối vô trong góc, rồi chạy lên chỗ Tía.

- Tía gọi con có gì không Tía

- Gọi hỏi coi bây có muốn dìa quê ở thiệt hay không, hay là miệng nói dìa mà trong bụng chưa ưng.

Nó nhẹ nhàng ngồi cạnh Tía trên bộ ván gỗ cũ, nắm tay tía, giọng run run:

- Con dìa thiệt mà Tía, cái bụng con nói thiệt.

- Ừ, coi trên đó không ổn thì cứ dìa nhà mà ở, đi tứ phương tám hướng rồi cũng có ở đâu mà bằng được ở nhà, cực khổ chút đỉnh mà dễ sống con ơi.

Nó run run khi nghe cái giọng trầm trầm đậm chất nhà nông của Tía. Nó khẽ nắm bàn tay khẳng khiu, gầy gò và rám đen của ông rồi nhìn len lén gương mặt Tía, hình như lâu rồi nó mới có dịp để nhìn mặt của Tía Má một cách kỹ hơn, bằng cả cái lòng của nó, mấy năm về ăn Tết, nó cũng chỉ qua loa cho qua mấy ngày rồi vội vã lên thành trở lại, có mấy bận mà nhìn rõ gương mặt Tía Má bằng sự quan tâm.

Nó bỗng nghẹn lại, khóe mắt nó lại cay cay khi nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông lớn tuổi, bóng nắng đổ ngược càng làm màu da đen sẫm, gương mặt gầy gò, nhòa nhạt của người Cha, tuổi đã lưng chừng Trời.

Nó không nói gì được vì bản tính dễ xúc động của nó, mỗi khi cảm xúc đột ngột lấn át thần kinh, nó lại chỉ biết im lặng cúi gằm gương mặt, bởi chỉ cần nói ra một từ là nước mắt, nước mũi lại trào ra…

Tía nuôi nó từ hồi nhỏ nên thấy cái mặt nó là Tía biết, Tía lấy tay ra, vỗ vỗ cái đầu con nhỏ:

- Thôi đi ra đồng với bé Ba coi người ta thả diều, nay Trời mát, mấy đứa trong làng ra thả diều nhiều lắm, chắc lâu rồi, bây đâu thấy người ta thả diều.

Nó biết Tía nói vậy để né tránh cái cảm xúc của đứa con gái hay mít ướt của nó, chắc Tía cũng không muốn nhìn nó khóc nên tìm cách đuổi khéo nó đi.

- Vô rửa mặt rửa mũi rồi đi với con Ba, để Tía ngồi uống Trà, chờ ông Mẫn qua đánh cờ thư giãn cái.

Lúc này, nó mới lấy tay quẹt quẹt cái mũi, nước mắt nước mũi đã chảy ròng ròng, nó lững thững đi ra sau nhà, ngó thấy bé Ba đang nhìn nó, cái mặt lém lỉnh.

- Đi Hai, em dẫn hai đi coi tụi con Mén, thằng Kha thả diều. Tụi nó nhắc Hai hoài, nay Hai ra chơi tụi nó cũng mừng dữ lắm.

Rồi con bé Ba nhảy chân sáo chẳng khác nào đứa trẻ, nó đẩy đẩy cái lưng chị Hai vào trong như hối thúc.

Chiều ngoài bờ đê, nó ngồi lặng lẽ, nghe những cơn gió thổi lồng lộng trên cánh đồng rộng thênh thang, tiếng cười giòn tan của những đứa bạn thả diều, xa xa, tiếng cu đất gọi đồng nghe buồn buồn yên ả, những đám rơm rạ ngã vàng sau mùa thu hoạch, nằm ngổn ngang chờ người ta đến thu gom, mấy đám rơm rạ này, coi vậy chứ cũng còn nhiều công dụng, người thì đem về chụm bếp, người thì trồng nấm rơm hoặc thả cho bò ăn cũng được.

Đồng khô và trống trải, trên không là những cánh diều no gió, bay tít tận chân Trời, nó ngồi đó, thấy bé Ba tung tăng hồn nhiên chạy theo đám bạn, nhìn những chiếc bóng nhỏ trên cánh đồng chiều mênh mang, nó bất chợt mỉm cười, chắc vì đâu đó trong mắt nó, cuộc sống ở quê nhà thật bình yên, dung dị.

Nó nhắm mắt lại, hít một hơi thở dài, những làn gió mát chạy sâu vào lồng ngực, quê hương vẫn ở nơi này, đã bao giờ rời bỏ ai đâu, chỉ con người ta rời xa quê bởi những khao khát di lý đổi đời, lặn ngụp giữa mớ ánh sáng phồn hoa đô hội, như con thiêu thân lao vào ngọn lửa, được bao nhiêu ngày vui hay chỉ bào mòn thân xác, gặm nhấm những nỗi buồn khi cuộc sống bấp bênh, đơn độc, những ngày rơi nước mắt vì thèm một chén cơm với miếng khô chiên, nồi canh tập tàng nóng hổi bên cạnh gia đình, nhớ lay lắt tiếng gà chiều, nhớ khói rơm đồng nội….rồi chừng ấy năm Trời mới nhận ra, chỉ có quê nhà mới là nơi để tâm hồn người ta nhẹ hẫng.

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm.

Comments


bottom of page