top of page

Ẩn danh

Ảnh của tác giả: Võ Đào Phương TrâmVõ Đào Phương Trâm

Đã cập nhật: 10 thg 10, 2023

Tiếng “tách” phát ra, chiếc cầu dao sụp xuống vì tải trọng điện quá giới hạn, Khanh loay hoay tìm đến chỗ ổ điện để bật lại chiếc cầu dao, miệng lẩm bẩm:

- Quái quỷ, suốt ngày dở chứng.

Chiếc cầu dao được bật lên, ánh sáng tỏa lại trong căn phòng, Khanh ngồi ngay ngắn bên chiếc laptop, người bạn thân cận với dân công nghệ. Ngôi nhà này, gồm có 3 phòng được thuê bởi 3 cậu thanh niên, họ đã trọ nơi đây từ khi còn là sinh viên đại học, đến khi ra trường, mỗi người một công việc nhưng họ vẫn sống chung trong một ngôi nhà vì mối quan hệ thân thiết của 3 người, hơn nữa cả ba cậu thanh niên cũng chưa có khả năng để mua sắm một ngôi nhà riêng biệt, nên họ chọn cách cùng sống chung được xem là thượng sách.

Ảnh minh họa, nguồn internet

3 người thanh niên ở trong một ngôi nhà với 3 tính cách khác nhau, nếu Khanh là người ít nói, thích nghiên cứu và tìm hiểu về công nghệ máy tính, lập trình, ít giao tiếp với ai, cậu làm bạn với cặp kính dày cộm và những ngón tay luôn nhảy thoăn thoắt trên bàn phím thì Huân, một anh chàng kỹ sư nông nghiệp nhưng lại chuyển sang làm nhân viên cho siêu thị, với khả năng giao tiếp hoạt bát, hỏm hỉnh, xem ra cái nghề nó vận vào thân, như người ta thường nói “nghề chọn người”, thỉnh thoảng ngồi cùng đám bạn, Huân lại bộc bạch:

- Chả biết sao ngày xưa lại học ngành nông nghiệp, cuối cùng thì chẳng làm bạn với cái cây ngọn cỏ nào mà toàn làm bạn với hàng hóa nhu yếu phẩm.

Thế nhưng xem ra, Huân lại khá hài lòng với cái nghề tay trái này. Khác với Huân và Khanh, Trường là người theo học ngành sân khấu điện ảnh, sau khi ra trường, dù chạy đôn chạy đáo tìm kiếm đất diễn nhưng thời chưa đến nên cậu chỉ được chọn vào những vai nhỏ nhỏ, khán giả xem xong cũng không có chút ấn tượng gì, cái nghề diễn vẫn là cái nghề cạnh tranh khốc liệt, để tìm được một chỗ đứng giữa rừng diễn viên cũ lẫn mới, luôn là nỗi đau đáu mong đợi, là đam mê của nhiều người, bất kỳ ai cũng muốn một lần chạm đến dù cuộc đời phải bầm dập đầy vết tích, Trường cũng không ngoại lệ, được diễn, được hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau, được xuất hiện trên màn ảnh, được người ta biết đến tên mình khi xuất hiện ở đám đông vẫn luôn là niềm mê đắm với cậu thanh niên từ khi còn nhỏ, dù đã qua trường lớp nhưng cậu vẫn chấp nhận đóng những vai quần chúng, những vai quân sĩ, nhiều lắm là một vai nông dân, tá điền mà chỉ xuất hiện vài phân cảnh trên màn ảnh rồi mất hút. Thế nhưng lòng yêu nghề của Trường vẫn là ngọn lửa cháy bỏng, dù thỉnh thoảng buông ra vài tiếng tư lự nhưng rồi người diễn viên trẻ vẫn không buông tay nghề diễn với hy vọng một ngày nào đó, tên mình sẽ được ở trên đài danh vọng.

Cuộc đời thì ai nấy cũng đều muốn tô vẽ nó màu hồng, mỗi khi ngồi lại với nhau, Trường vẫn thường thả vài câu đầy “khí chất” của người trong giới giải trí, với những mảnh hỷ nộ, bon chen, hào nhoáng ước vọng, thỉnh thoảng lại nhen nhúm chút nặng và buồn của một người diễn viên chuyên trị vai quần chúng

- Đôi khi tao thấy mình có tài nhưng thời chưa tới mày ạ!

- Thì mày cứ đợi thời, biết đâu đóng chừng vài chục vai phụ nữa thì lại leo lên vai chính

Huân nửa động viên, nửa đùa cợt trong khi miệng vẫn còn nhai lõm bõm một mẩu bánh mì nguội ngắt

- Chỉ cần thằng nào vai chính hôm đó đau bụng, nhức đầu là tao lên vai chính ngay.

- Vậy thì mày khấn cho nó ốm đi, nó ăn nhằm gì đó nó chạy cả ngày là mày leo lên được cái vai chính ngay thôi. - Vừa nói, Huân lại cười tí tởn.

- Nói vậy thôi, chứ ai lại mong nó thế, thế thành ra tâm mình lại ác mày ạ!

- Ối trời! mong lên vai chính thì thiện ác gì, cái gì mong được thì cứ mong, nghề của mày, bọn nó còn chơi bùa chơi ngải, hại nhau ầm ầm, ba cái nhức đầu, tiêu chảy, có thấm thía gì mà mày phải ray với rứt.

Trường xoay qua đặt câu hỏi với Khanh

- Mày xem nó nói thế có được không, thằng mọt máy kia?

Lúc này, Khanh mới đưa mắt nhìn về phía Trường trong khi nãy giờ cậu vẫn chăm chăm vào màn hình máy tính

- Ừm, xem đường nào được thì cứ làm.

- Ơ, cái thằng này! Thế tao hỏi mày làm gì?

- Mày hỏi nó như hỏi cái đầu gối - Huân vừa nhai tóp tép mẩu bánh mì cuối cùng sót lại, chiêm vào một câu chắc nịch

- Này, mày bỏ cái máy ra, lại đây mà ngồi tán gẫu, suốt ngày mày cứ dán mắt vào đó không sợ tự kỷ à?

Lúc này, Khanh chậm rãi quay sang hướng hai anh bạn, cậu hạ chiếc kính dày cộm xuống rồi cất giọng tỉnh rụi

- Tao nói chuyện với hai thằng bây, tao mới bị tự kỷ đấy!

- Ơ cái thằng này!

Trường lắc đầu tỏ vẻ bất lực trước lối sống của Khanh bởi trong mắt Trường, Khanh như người lập dị, chẳng bao giờ xởi lởi, cũng chẳng đi đâu trừ khi có việc công ty, trái ngược với Trường, một người làm nghề giải trí nên luôn vồn vã, thỉnh thoảng có vài câu nói thuộc dạng “thăng thiên”. Câu chuyện đời của ba cậu thanh niên như một thế giới thu nhỏ trong ngôi nhà trọ mà mỗi người là hiện thân của một góc xã hội với sự ồn ào hào nhoáng, của sự vô tư trước cuộc sống đầy thách thức, của sự trầm lặng chẳng muốn va chạm, xô bồ.

Nếu công việc và cuộc sống của Khanh dường như chẳng có gì thay đổi, nó cứ một màu và cậu thanh niên dường như cũng không có nhu cầu thay đổi nó, hằng ngày, cái máy tính là người bạn trung thành, xuất thân từ ngôi trường có tiếng cộng với niềm đam mê nghiên cứu, Khanh trở thành dân lập trình có nghề với khoảng lương vài chục triệu, thế nhưng nhìn bề ngoài, cậu ta lúc nào cũng chỉ áo thun trắng với cái quần tây, cặp kính trắng dầy cộm, ở nhà thì quần đùi áo thun, chẳng rượu chè, chẳng thấy cô nào lai vãng, cũng chẳng thấy cậu ta nhắc đến ai dù đã ngoài ba mươi tuổi.

Trái ngược với Khanh, Huân là người xông xáo, chịu lao động cực nhọc để kiếm tiền, là một thanh niên từ quê lên Tỉnh nên cậu sẵn sàng làm mọi thứ, từ chạy bàn đến phụ quán cơm, sau này ra trường với tấm bằng Đại học Nông nghiệp nhưng thời thế đưa đẩy thế nào, cậu lại vào làm trong siêu thị, quen việc, đồng nghiệp cũng tốt, lương dù chẳng là bao nhưng để có được một việc làm ổn định giữa thời buổi này, so với những nghề lao động tay chân trước đây thì công việc của một nhân viên giao hàng, với Huân cũng là tạm ổn.

Cũng cái chỗ quen thuộc, một cái bàn đá tròn ngoài ban công sân thượng, ba cậu thanh niên ngồi lại với nhau trong một ngày cuối tuần, 3 ly café trên bàn, một ly ít đường cho Huân, họ lại bộc bạch về chuyện việc làm, bao nhiêu tâm tư, mơ ước, dự tính trước mắt, rồi lại bàn qua những chuyện phím thường ngày như một cách thư giãn sau một tuần chú tâm vào công việc

- Má tao dưới quê, hỏi tao trên này làm việc có được không? Không được thì dìa đó làm nông, giờ cực cũng phải ráng, chứ dìa đó mà chưa có vốn liếng gì, uổng công bao nhiêu năm ba má tốn tiền cho đi học. - Bằng cái giọng đặc sệt miền tây, Huân nhắc về gia đình trong sự bần thần

- Mày học ngành nông nghiệp, về quê trồng trọt biết đâu lại hợp. – Trường tỏ vẻ đồng tình

- Muốn về thì vài ba năm nữa, tích cóp được chút tiền thì về, mà cũng ngộ, ai đời học nghề nông nghiệp, giờ ra làm nhân viên giao hàng, định làm thử, ai dè Tổ độ cái làm luôn.

- Mày làm vài năm, biết đâu lại mua được nhà cửa ở đây, đón ông bà lên đây mà ở.

- Thôi, tao chỉ mong đủ tiền ăn, đủ tiền trả cho bà chủ trọ là tao mừng rồi, ở cái đất này mà mơ đến chuyện mua được nhà là xa xỉ lắm, tích cóp được mớ tiền rồi sau này dìa quê làm vốn nghe còn có lý.

- Ừ, nói mua được nhà, chắc chỉ mỗi thằng Khanh, lương nó vài chục củ mỗi tháng, chứ tao với mày, chỉ mong đủ tiền ăn, không chết đói là mừng

Trường nửa đùa nửa thật kèm theo giọng cười khoái trá.

- Đâu ra vài chục củ vậy bạn?

- Thôi mày đừng giấu, công ty mày, tao có đứa bạn cũng làm trong đó, nó bảo mỗi thằng lập trình như mày ít nhất mỗi tháng là 20 củ đấy, bày đặt giấu giếm, sợ bọn tao xin xỏ hay gì.

- Tao mà có tiền cho bọn mày xin xỏ cũng mừng, chỉ sợ tao phải đi xin tụi mày thôi.

- Tao có cái lai quần thôi. Hai thằng bây, đứa thì lập trình viên, thằng thì diễn viên điện ảnh, có tao là thằng giao hàng, mà tụi bây than dữ quá.

- Mày nói đúng đó, có thằng này là ngon lành nhất, mai mốt thời tới, theo xin chữ ký nó, không chừng nó còn đá mình ra. – Khanh nửa đùa nửa thật

- Không, bạn bè ai lại thế, ít ra tao cũng phải cho mày được chữ ký.

- Mấy thằng làm diễn viên như mày, thời tới là nhà lầu xe hơi, thay bồ như thay áo nha mậy. - Nói xong, Huân lại cất giọng cười ha hả.

- Chả biết có nhà lầu xe hơi không chứ giờ vẫn còn mài quần trên xe hai bánh đây mày ạ.

Câu chuyện của ba người kéo dài đến khi mặt Trời khuất dạng, bóng chiều bắt đầu phủ trùm một màu xám bạc lên góc đường nhỏ, những ánh đèn loang loáng từ những hàng quán trong khu nội đô đông đúc, tiếng người nói xôn xao và dòng xe máy nối đuôi nhau lẫn trong những mảnh buồn vui của ba người bạn trẻ.

Hôm nay Trường đi theo đoàn phim để quay một số phân cảnh ở Vũng Tàu, chiều thứ bảy chỉ còn mỗi mình Khanh trong căn nhà trọ, đang dán mắt vào màn hình máy tính, Khanh nhìn ra ngoài cửa, ở phòng bên kia, cậu nhìn thấy Huân đang gấp rút bước vào phòng, áo quần máu me bê bết, Khanh vội vã chạy ra, đứng trước cửa phòng Huân, cậu hỏi bằng giọng thất thần

- Mày làm gì mà áo quần máu me tùm lum vậy?

- Tao chở ông già bị tai nạn vô bệnh viện

- Ông già nào?

- Ông già ở ngoài đường, ổng bị tai nạn xe, tao đưa vô bệnh viện dùm,

- Sao mày không gọi taxi? Mày chở vậy lỡ ổng bị gì thì sao?

- Có taxi nào chở đâu, họ làm cho hãng, thấy tai nạn máu me cũng ngại, chờ hoài chắc ổng chết nên tao với một anh đèo vô bệnh viện luôn.

- Sao mày liều vậy? không gọi cảnh sát tới, người ta có xe chở đi, mày chở vậy lỡ ổng bị chấn thương nặng hơn thì sao? Rồi lỡ gia đình ổng nói mày đụng ổng thì sao? Biết bao nhiêu vụ tai nạn mà không biết cách cứu là còn gây ra tai họa nữa nha mậy.

- Thôi cũng xong rồi, giờ tao đi thay cái áo.

- Rồi ông đó có bị sao không?

- Ổng vẫn còn nằm trong phòng cấp cứu, làm thủ tục này nọ xong thì tao đi về.

- Mà thằng đụng ổng đâu? Sao nó không đưa ổng đi mà mày phải đưa?

- Trời, nó đụng ổng xong chạy mất tiêu, có ở đó đâu mà đưa ổng đi.

Huân trả lời bằng một thái độ thất vọng, Khanh thì khẽ lắc đầu

- Cuộc đời sẽ phải mang ơn những thằng như mày.

- Tao thấy trước mắt thì giúp thôi, để người ta thương tích nằm đó, tao không chịu nổi chứ ơn nghĩa gì.

Tiếng nước xối xả trong nhà tắm, sau một hồi, Huân cũng bước ra với bộ đồ sạch sẽ và cái đầu ướt mem vì mới gội.

- Nay thằng Trường có ở nhà không? Rủ nhau làm vài lon thư giãn đi mậy

- Nó đi theo đoàn quay phim ở Bà Rịa rồi.

- Vậy tao với mày, ra góc điểm hẹn, làm vài lon rồi đi ngủ, cuối tuần rồi.

- Thôi, tao còn vài việc phải làm, bia bọt gì lúc này, chờ vài bữa thằng Trường về, đủ bộ rồi làm luôn. Mày nghỉ đi.

- Ừ, vậy thôi, tao đi ngủ.

Nói xong, Huân ngã lưng xuống giường trông có vẻ sảng khoái sau một ngày lao động mệt mỏi, Khanh thì chậm rãi quay về phòng với mớ công việc bên ngành công nghệ. Dạo này dường như Khanh được giao nhiều việc nên tất bật hơn thời điểm trước. Huân thì vẫn tính cách chất phác, thật thà, sống đơn giản và nghĩ cũng đơn giản, tâm tính cũng ngay thẳng, hồ hởi và hết lòng vì người khác, khác với tính cách của Khanh, một người thận trọng, kỹ lưỡng, đôi lúc tư tưởng có phần bảo thủ cực đoan.

Sau khi xem những thông tin trên mạng, lướt qua vài bài báo online, còm vài câu xã giao hoặc đi like dạo cái hình bạn bè thân thiết, mắt Huân bắt đầu nhắm lại vì cơn buồn ngủ ập đến, lúc này điện thoại rung lên, Huân đưa tay cầm lấy chiếc máy, mặt vẫn còn ngái ngủ.

- Alo.

- Mày làm gì đó? Đang ngủ à?

- Có gì mày nói đi, nói nhanh cho tao ngủ.

- Mày lúc nào cũng ngủ, tụi bây chuẩn bị chúc mừng tao đi

- Chúc mừng cái gì?

- Sắp đến, tao được giao vai chính trong một phim điện ảnh rồi.

Huân mở mắt, dường như lúc này cậu sực tỉnh và mới nhận ra nãy giờ đang nói chuyện với Trường

- Ghê mậy! Kể tao nghe coi. Mày có bỏ bùa đạo diễn không mà ổng cho mày lên vai chính vậy?

Huân cất giọng cười khả ố trêu chọc Trường, dù trong bụng cũng mừng lây cho cậu bạn

- Cả quá trình cố gắng của tao đó thằng ôn. Để hai bữa nữa về, tao kể cho tụi bây nghe.

- Ồ, vậy là tụi tao đang ở chung nhà trọ với diễn viên điện ảnh rồi à? Tao có nằm mơ không mậy?

- Này là thật nhá, chả có mơ đâu.

- Oke, oke! Thôi giờ tao ngủ. Khi nào về thì nhắn, điểm hẹn sẽ đón mày.

- Oke. Ngủ đi thằng lợn.

Huân bỏ máy xuống rồi khẽ mỉm cười, cậu nghĩ thầm trong bụng: “Vậy là mơ ước của thằng bạn cũng đã thành hiện thực”.

Hai ngày sau khi Trường hứa sẽ về nhà khi kết thúc chuyến quay phim ở Bà Rịa Vũng Tàu, Khanh và Trường cùng chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn để chúc mừng “tài tử điện ảnh” sau nhiều năm lăn lộn trên phim trường với mớ vai phụ đầy kho, nay mới có được một vai chính đầu tiên mà còn trong phim điện ảnh, trường hợp này với Trường giống như một bước lên tiên.

“Điểm hẹn” là cái góc quen thuộc trên ban công tầng thượng, trên bàn có những món ăn thuộc dạng bắt mồi và chai rượu vang đắt đỏ mà Khanh đi mua để mừng chiến hữu, dưới đất là một thùng Heniken chưa khui nắp. Bắt đầu cho buổi khai tiệc là tiếng bật nắp giòn giã, dòng bọt trắng trào ra như suối từ chai champagne, những chiếc ly bóng loáng với màu đỏ thẫm của loại rượu đắt tiền.

- Dzô! Chúc mừng! Chúc mừng thằng bạn thoát khỏi vai phụ và lên vai chính

- Chúc mừng mày! Sắp thành người nổi tiếng.

- Cảm ơn hai bạn! Dzô!

Bữa tiệc diễn ra rôm rả trong tiếng nói cười và giọng nói đầy hân hoan, hào hứng của Trường, bao nhiêu niềm vui, khao khát, ước vọng bao năm được bung trào như dòng champagne bật nắp, những diễn cảnh huy hoàng và tên tuổi phủ sóng trên mặt báo như một nguồn cảm hứng chạy trong mạch máu, khiến Trường cảm thấy hạnh phúc không thể tả.

- Mày diễn vai gì? - Huân hỏi bằng giọng tò mò.

Trường hớp một ngụm rượu rồi chậm rãi

- Vai này khá gắt, tao diễn vai đồng tính.

- Vai đồng tính à? - Khanh bất chợt lộ vẻ ngạc nhiên

- Ừ! Phim đồng tính đấy!

- Dạng phim này khó nuốt đó! sao ông đạo diễn lại dám giao vai này cho một đứa như mày vậy!

Nghĩ mình lỡ lời nên Huân bào chữa

- Không, ý tao là mày chưa trải qua vai chính nào, sao ổng lại tin tưởng mày đó!

- Chắc ổng thấy tao phù hợp.

- Thế hóa ra ổng thấy mày gay à? – Huân vừa uống ực ly rượu, vừa bật cười hóm hỉnh

- Showbiz thì thằng nào gay, thằng nào thẳng có Trời mà biết, nhìn bên ngoài, thằng nào cũng soái ca, cũng vạm vỡ, có mà lầm chết.

- Không, tao chỉ nói trường hợp mày thôi. Mày phải có gì đạo diễn mới chọn mày, mà mày có casting gì không? – Huân vặn hỏi

- Có, tao có cast thử, rồi được chọn.

- Đừng nói với bọn tao là mày có máu nha! Nhưng dù sao, tao vẫn chúc mừng mày!

- Mày đừng nói xàm, tao là trai thẳng.

- Thẳng hay không, có mày biết chứ tụi tao làm gì biết được. – Khanh cười một cách bí hiểm.

Câu chuyện trên bàn tròn của ba cậu thanh niên trải dài với những thắc mắc, dặn dò, hoài nghi, đùa cợt bởi những phức tạp trong thế giới đa chiều, hào quang và cũng đầy tranh đua, cạm bẫy.

Một tuần sau đó, Trường theo đoàn phim để bắt đầu cho những phân cảnh đầu tiên trong phim “Ngã rẽ”.

Đoàn phim đi được hơn một tháng thì cũng đến ngày đóng máy, cả đám bạn hồi hộp chờ ngày phim ra mắt, nhưng qua những gì Trường chia sẻ, họ thấy đây là một phim với nội tâm phức tạp và diễn biến nhiều tình tiết gay cấn, đó là điểm đặc trưng của những bộ phim điện ảnh.

Thế rồi ngày công chiếu cũng đến, những chiêu trò quảng bá rầm rộ khắp mặt báo, trước đó đã có vài scandal nho nhỏ được tạo ra mà người ta nghi ngờ là từ phía nhà sản xuất nhằm thu hút chú ý của dư luận, như cách mà một số bộ phim điện ảnh thường dùng, cùng với những cái tít nổi cộm “nét đẹp hút mắt của nam diễn viên chính trong bộ phim ngã rẽ”, “Bí mật về đời tư của chàng diễn viên thủ vai đồng tính trong phim ngã rẽ”, “dự án phim ngã rẽ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng”, “dàn diễn viên chính đẹp như sao Hàn trong phim ngã rẽ”, “ngã rẽ và những tình tiết khai phá về thế giới đồng tính”…

Thế là Trường, từ một diễn viên phụ ít ai biết đến lại phút chốc nổi danh trên mặt báo, xóm trọ trước đây không mấy để tâm đến anh chàng diễn viên phụ ở nhà thuê, nay lại săn đón phía trước cổng để chụp hình, xin chữ ký, thế là từ sáng sớm đến lúc tối mịt, lúc nào cũng có người đứng xung quanh phía trước để đón gặp người nổi tiếng.

Dường như ông Trời đã sắp đặt cho Trường một ngã rẽ thật sự nên sau khi bộ phim công chiếu và nhận được thành công vang dội, Trường như một người bước sang thế giới khác, đi đâu cũng có người vây kín để xin chụp hình, nếu ngày xưa cậu ra ngoài vẫn để mặt tơ hơ cho có người nhận ra và mong có ai đó chạy tới xin chữ ký nhưng dường như chẳng ai để tâm đến cậu thì bây giờ ra đường, Trường phải bịt mặt bằng khẩu trang, một phần vì để tránh bị người ta phát hiện, một phần vì tâm lý muốn thể hiện mình là một ngôi sao, như có lần Trường tự đắc “Đưa mặt ra thì chỉ khi chưa ai biết đến, chứ khi nổi tiếng rồi, phải khẩu trang kín mít, chứ đưa mặt ra thì khán giả họ vây dữ lắm”.

Vậy là những buổi chụp ảnh, talkshow, giao lưu trực tuyến bắt đầu đổ về ngùn ngụt khiến cho Trường ít khi có mặt ở nhà, Khanh và Huân cũng mừng cho cậu bạn đã chạm đến thành công sau ngày dài mong đợi nhưng thỉnh thoảng họ cũng nhắc nhở vài lời để Trường không sa vào những tham vọng mà trượt dài trong ham mê tiêu cực.

Thế nhưng trong thế giới hào nhoáng là cái bẫy cho những con thiêu thân dễ dàng vấp ngã, sau bộ phim Ngã rẽ, Trường tiếp tục tham gia vài ba phim khác, tên tuổi ngày càng trở nên quen thuộc và trở thành sao, bởi thời buổi này, để thành một ngôi sao không dễ mà cũng không khó, chỉ cần có một bệ đỡ, có vài ba bài báo, có một bộ phim ăn khách rồi xuất hiện trên các kênh giải trí, gameshow, có được một lượng fan ổn định và có công nghệ lăng xê là sẽ thành sao chóng vánh. Trường dường như cũng là miếng mồi ngon cho những nhà sản xuất khi họ nhận ra cậu có tiềm năng khai thác, thế nhưng càng nổi tiếng, hai người bạn của Trường lại thấy cậu khác đi, và rồi một ngày, điều mà họ lo ngại cũng đến khi Trường về nhà cùng với một cậu thanh niên, trông họ đẹp đẽ với làn da trắng trẻo, áo quần hợp mốt, cậu thanh niên đi cùng Trường có những hình xăm nghệ thuật trên tay, nhìn vào là thấy hiện lên chất của dân nghệ sĩ. Cậu thanh niên thường ở trong phòng của Trường khá lâu, có hôm đến chiều tối mới về. Sau đó, người ta thấy hình ảnh Trường và cậu thanh niên thường xuyên xuất hiện trên trang cá nhân với cử chỉ thân mật, và báo chí bắt đầu giật tít với những dòng tin theo kiểu câu view về mối quan hệ giữa Trường và cậu thanh niên được cho là thành viên một ban nhạc trẻ. Những lần Trường ngồi lại bên góc bàn ở ban công sân thượng cũng hạn hẹp dần và thay vào đó là tần suất xuất hiện bên cạnh cậu thanh niên, những buổi giao lưu chụp ảnh, quảng cáo sự kiện. Trường đã chính thức đặt chân vào con đường hào quang danh vọng.

- Mày xem thằng Trường nó có gì lạ không? Huân hỏi Khanh sau một tuần không thấy Trường về nhà trọ.

- Tao cũng chẳng biết, chuyện riêng của nó.

- Mày có đọc báo không? Báo chí đăng đầy ra đó.

- Tao không quan tâm mấy cái báo chí sô chậu đó mày ạ.

- Ơ, cái thằng này, nhưng nó là bạn mày, ít ra mày cũng phải quan tâm nó chứ.

Trong khi Huân có thái độ nóng ruột thì Khanh lại tỏ vẻ thờ ơ khác lạ

- Thế mày quan tâm thì mày làm được gì? Mày là cha mẹ nó à? Nó lớn rồi, nó có cuộc sống của nó chứ.

- Nhưng ý tao hỏi mày có thấy nó lạ không? Nó đi với cái thằng choai choai nào về nhà đó, mày không thấy à?

Khanh quay sang Huân, chậm rãi bỏ cặp kính xuống, giọng không cảm xúc

- Nó đi với ai kệ nó, nó lớn rồi.

Lúc này, Huân tiến lại gần phía Khanh, giọng trở nên nghiêm trọng

- Mày không nghĩ nó đóng phim xong nó giống vậy luôn à?

Khanh im lặng vài giây nhìn Huân rồi đáp

- Nếu nó vậy thì mày định làm gì?

- Chẳng làm gì, nhưng cũng phải quan sát coi nó ra sao chứ

- Nó là người của thế giới giải trí, đó là chuyện bình thường, không chừng tụi nó còn giả vờ tạo scandal để nổi tiếng nữa đấy, mày cứ làm cho nghiêm trọng lên. Được cái gì?

- Ôi trời, thôi! Tao chỉ nói vậy thôi.

Huân vừa định bước ra ngoài nhưng sau đó cậu lại quay trở vào như sực nhớ điều gì

- Nó có nhắn cho mày là nó đi đâu không?

- Không, nó chẳng nói gì với tao

- Nó nói nó đi Đà lạt khoảng hơn 10 ngày có công việc trên đó

Khanh cũng im lặng chẳng nói gì, cậu lại dán mắt vào màn hình máy tính, Huân cũng trở về phòng sau cuộc đàm đạo chóng vánh với Khanh.

Những ngày sau đó, Khanh và Huân không nhận được thông tin và hình ảnh nào từ phía Trường, họ gọi qua thì điện thoại không có người bắt máy. Hai cậu bạn cũng có vẻ ngạc nhiên nhưng họ nghĩ Trường đang né tránh dư luận và báo chí như cách của giới nghệ sĩ vẫn làm, mỗi khi có những ồn ào là họ chìm vào im lặng một thời gian rồi xuất hiện. Thế nhưng hai cậu bạn lại một phen nữa khó hiểu khi một buổi chiều nọ, cậu thanh niên đi cặp với Trường xuất hiện trước cổng nhà, lúc Huân xuống mở cửa thì ngạc nhiên khi thấy Triều đứng phía trước sân, gương mặt lo lắng

- Dạ anh, mấy ngày nay anh Trường có nhà không anh?

- Không em. Nó nói đi Đalat có công chuyện, từ bữa giờ có liên lạc với em không?

- Dạ không anh.

- Vậy hả? mấy nay tụi anh liên lạc cũng không có ai nghe máy.

- Dạ, ảnh có sao không anh?

- Anh không biết nữa em vì chưa ai liên lạc được.

- Dạ, vậy thôi em về, em cảm ơn anh.

- Oke em! Chào em.

Sau khi người thanh niên đến và những câu hỏi về Trường cũng không lời đáp, Huân và Khanh càng đặt ra nhiều thắc mắc trong đầu. Mười ngày trôi qua, Trường vẫn biệt tăm không một tin tức nào gọi lại, có vài người trong đoàn phim đến tìm nhưng cũng ra về vì không có thông tin.

- Quái lạ, nó đi đâu vậy Trời? Huân ngạc nhiên với câu hỏi bâng quơ

- Nó đi trốn scandal rồi. – Khanh thì trả lời tỉnh rụi

- Sao mày biết?

- Tao đoán vậy.

- Nếu trốn thì thằng bồ nó cũng phải biết chứ, mày không thấy nó tới tìm thằng Trường à?

- Đó là chuyện của tụi nó, mày quan tâm làm gì.

- Cái thằng này, nó mất tích mà mày không ngạc nhiên à?

- Tao ngạc nhiên cũng biết làm gì? Mày muốn tao làm gì? Nóng nảy lên như mày à?

- Tao sợ nó bị gì thôi, mày hiểu không?

- Nó có gì thì công an sẽ thông báo. Giờ chưa có gì thì biết đâu nó đang ở đâu đó thôi, mày làm gì như nước sôi đổ vào háng vậy?

- Thôi tao không nói chuyện với thằng vô cảm như mày nữa.

- Ừ, thôi mày đi đi, cho tao làm công chuyện.

Huân rời khỏi phòng Khanh trong tâm trạng bức bách, còn Khanh thì vẫn cắm mặt vào màn hình máy tính. Thông tin về Trường vẫn không ai biết, mọi chuyện bắt đầu trở nên phức tạp khi người nhà gọi lên tìm kiếm vì không liên lạc được, mọi thứ về Trường dường như mất hút không tăm tích. Sau 12 ngày, một thông tin về Trường xuất hiện nhưng không phải từ Trường mà từ một số điện thoại gửi vào máy Khanh và từ đây, một câu chuyện đáng sợ đã được phơi bày

- Xong rồi anh, hình của nó đây.

Khi Khanh vừa cầm điện thoại và xem những tấm ảnh của Trường được chụp từ một huyệt mộ chưa lấp đất, khuôn mặt trắng bệt vô hồn với ngực loang lỗ máu me, đôi môi tím nhợt và gương mặt của người không còn sự sống, những vết bùn đất phủ quanh thân người đang cứng lạnh, Khanh khẽ nhếch mép cười. Một tin nhắn được gửi lại cho người lạ

- Oke. Thanks.

- Khi nào tụi em lấy tiền?

- 4 giờ chiều.

Khi chiếc điện thoại của Khanh vừa đặt xuống bàn thì bên ngoài cửa, một tổ công tác bao gồm cảnh sát và lực lượng chức năng đã xông vào, họ tiến thẳng lên phòng của Khanh, lúc này Khanh vẫn ngồi bên bàn máy tính. Hắn khẽ giật mình và gương mặt biến sắc khi nhìn thấy công an, cảnh sát và điều mà hắn đổ gục hơn là khi nhìn thấy Trường đang đứng cùng với họ. Theo phản xạ, Khanh bật ra những tiếng thất vọng và tàn độc

- Mày…mày vẫn còn sống à?

Trường chầm chậm đi về phía Khanh, với ánh mắt và những tia nhìn oán hận, cậu gằn từng tiếng

- Mày nghĩ tao chết rồi chứ gì? Đồ dã tâm như mày, tao phải sống để thấy ngày mày đền mạng.

Những tia nhìn đỏ au của sự căm phẫn và nỗi hụt hẫng từ gã phản bạn hòa lẫn vào nhau tạo thành một màn không gian u đặc và ám ảnh. Khi viên cảnh sát đọc xong quyết định bắt tạm giam và tiến hành lục soát bên trong căn phòng cũng là lúc họ tra chiếc còng vào tay Khanh, áp giải hắn ra khỏi nơi cư trú, hắn lướt qua Huân đang đứng chết lặng ở góc phòng, cho đến khi mọi người rời đi và căn phòng trở nên yên lặng.

***

Hai gương mặt trầm lặng và nặng nỗi buồn của những gã đàn ông, Huân và Trường ngồi ở đây cũng đã gần nửa tiếng nhưng chưa ai nói với ai câu nào, có lẽ vì những cảm xúc trong lòng họ đang xáo trộn và hụt hẫng, “điểm hẹn” ở ban công nhưng giờ chỉ còn lại hai người. Câu chuyện lần đầu được hé mở với những điều không ai ngờ tới, được kể lại từ Trường, những lời nói đặc quánh cảm xúc của một người trải giai đoạn cận kề cái chết và chứng kiến tường tận sự thay đổi hay nói đúng hơn là bản chất thật ẩn giấu bên trong con người mà ngày thường được ngụy trang che đậy làm người ta nhầm lẫn, không thể nhận ra.

- Một lần, nó vào phòng tao, nó đã hỏi tao về mối quan hệ với thằng Triều, nhưng thật ra tao với thằng Triều chỉ là anh em, nhưng thằng bé có cái tính hiền lành nữ tính, nên nhiều người cứ nghĩ tao với nó là dân đồng tính. Mày có biết nó vào phòng và nói những gì với tao không?

Huân cất giọng hỏi một cách chú tâm

- Nó nói gì mày?

- Nó hỏi tao cặp bồ với thằng Triều à? Rồi nó bảo tao phải chấm dứt với thằng bé. Tao bảo nó bị điên à khi nghĩ về tao như vậy? thế rồi…

Cả Huân và Trường đều im lặng, Trường cất giọng kể trong sự buồn bã

- Nó bảo nó yêu tao.

- Mày nói cái gì?

- Ừ! Nó bảo nó là dân đồng tính. Nó che giấu từ trước đến nay. Tao không thể tin vào tai mình mày ạ.

Huân cất một tiếng thở dài như chưa từng hiểu điều gì đang diễn ra quanh mình

- Tao bảo là nó thôi đi, tìm một người khác đi chứ đừng đi theo tao nữa. Lúc đó nó lồng lên, nó nói có phải vì thằng Triều nên tao mới từ chối nó? Mày xem có nó điên không?

Huân im lặng, không trả lời vì có lẽ cậu không muốn làm tổn thương cả hai người bạn.

- Thế là tao bảo nó đi ra đi, đi về nghỉ đi. Khi tao đi ra, nó đã nói với tao là “nếu cậu không bỏ thằng Triều thì tôi sẽ giết cậu”

- Trời ơi, nó bị điên à? Huân cất giọng thảng thốt.

- Nhưng tao không quan tâm lời nó nói, tao chưa bao giờ nghĩ nó sẽ làm việc đó vì tao chỉ nghĩ nó nói trong phút tức giận.

Trường ôm mặt, ngã người ra sau ghế, rồi câu chuyện lại tiếp tục, giọng cậu nghẹn lại

- Nó đã thuê người giết tao, nhưng nó không ngờ, người ta vì biết tao là một diễn viên, nên họ đã âm thầm nói cho tao biết. Sau đó, tao đã báo công an, và họ lập một hiện trường giả để có đủ bằng chứng bắt nó.

- Họ đã làm gì?

- Nó đã liên lạc với gã thanh niên kia qua điện thoại, ngã giá khi giết tao sẽ trả cho gã đó 100 triệu đồng. Công an đã yêu cầu tao trong thời gian điều tra không được liên lạc với ai, họ dựng một hiện trường giả là tao đã bị giết, sau đó tên thanh niên sẽ chụp ảnh tao gửi qua cho nó, cho nó thấy là tao đã chết.

- Thằng khốn nạn.

Huân đấm một phát mạnh xuống bàn trong tâm trạng căm phẫn và hụt hẫng.

- Tao không thể tưởng tượng mình phải trải qua những thời khắc đó, cũng may người thanh niên nọ đã tha cho tao một con đường sống.

- Tao không biết nói gì, tao không trách việc nó đồng tính, nhưng tao không thể chấp nhận động cơ đê hèn của nó.

- Nó đã không chừa tao một con đường sống thì nó không nên có mặt ở trên đời.

- Tao thấy tội cho mày và thật tiếc cho một thằng như nó.

Câu chuyện bỏ lửng trong tiếng thở dài và im lặng của hai người bạn trẻ, hai ly café đã cạn cũng là lúc bóng chiều u ám trì nặng trên con hẻm nhỏ. Ánh nắng cuối ngày lụi tắt như mảnh phù hoa chóng vánh của đời người.

Về phần Khanh, một gã máu lạnh và bí ẩn, khi cảnh sát lục soát và kiểm tra máy tính mới phát hiện ra, Khanh còn là một hacker cầm đầu đường dây chuyên xâm nhập các tài khoản cá nhân để mua bán thông tin bí mật. Từ một nhân viên công nghệ có nghề nghiệp ổn định nhưng vì sự tham lam, ích kỷ độc chiếm không có điểm dừng đã dẫn hắn vào con đường tội lỗi, kể cả việc sát hại mạng người, đó như một lời cảnh tỉnh rằng “Trong cuộc sống, con người ta thường ngụy trang nhiều mặt, chúng ta tiếp xúc với hằng hà sa số con người nhưng không thể biết được những thiện ác bên trong, những kẻ giả danh có thể mang những bộ mặt khác nhau, họ ngụy trang vô cùng khéo léo nhưng đằng sau lớp mặt nạ da người là những mưu toan, dối trá không ai biết được, chỉ khi chiếc mặt nạ rơi xuống, người ta mới nhận ra những chân tướng thật”.

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm

Comments


bottom of page